Thận trọng khi cung cấp thông tin để nhận hàng từ nước ngoài về

Thứ Sáu, 08/05/2015, 08:23
Thông qua các diễn đàn Hacker Under Ground (gọi chung là diễn đàn U.G) như: www.vietexpert.infor, www.vncnol.com..., một số đối tượng đã cấu kết, tổ chức những đường dây mua hàng có giá trị lớn qua các trang web bán hàng trực tuyến tại Mỹ, sử dụng những thẻ tín dụng của người nước ngoài mà các đối tượng đã mua lại của các hacker để thanh toán. Sau đó, các loại hàng hóa mua trái phép này được chuyển về Việt Nam tiêu thụ.
Thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá nhiều đường dây sử dụng thủ đoạn này, đồng thời cảnh báo nguy cơ đối mặt với việc bị xử lý hình sự đối với những người nhận các loại hàng hóa này tại Việt Nam. Tuy nhiên, vì hám tiền, vì thiếu hiểu biết, có không ít người tiếp tay cho các đối tượng tội phạm hoạt động.

Sau khi gia nhập làm thành viên của trang web vncnol.com, Nguyễn Quốc Đạt (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cùng một số đối tượng khác tổ chức sử dụng trái phép thông tin từ thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua máy tính bảng iPad, máy tính xách tay hiệu Apple Macbook Pro, ống kính máy ảnh hiệu Canon… thanh toán qua mạng Internet.

Đạt thuê các đối tượng biết cách sử dụng thông tin của thẻ tín dụng chiếm đoạt được để mua hàng tại các trang web bán hàng trực tuyến trên mạng Internet, sau đó chuyển hàng về Việt Nam thông qua Công ty Dịch vụ giao nhận hàng hóa quốc tế  (trụ sở tại Mỹ)… Tổng trị giá hàng hóa do Cơ quan điều tra thu giữ có trị giá hơn 1,1 tỷ đồng.

Ipad, ĐTDĐ... là những mặt hàng các đối tượng mua trái phép từ thẻ tín dụng của người nước ngoài, mang về Việt Nam tiêu thụ.

Làm việc với cơ quan điều tra, chị N.T.P. cho biết, chị quen Đạt tình cờ trong một quán cà phê ở quận Phú Nhuận. Trong khi trò chuyện, biết chị P. có người nhà sống tại Mỹ và thường gửi quà về, Đạt gợi ý chị P. nói người nhà gửi hàng về Việt Nam nên sử dụng dịch vụ vận chuyển quốc tế mà Đạt thường gửi để có cước phí thấp.

Khi nào có hàng từ Mỹ gửi về, chị P. cho cho Đạt biết để Đạt gửi kèm một số hàng hóa về cùng. Đạt sẽ chịu tất mọi chi phí vận chuyển. P. đồng ý và cung cấp cho Đạt số điện thoại của người cô bên Mỹ hay gửi đồ về cho P. Sau đó, chị P. đã thường xuyên nhận hàng từ Mỹ về mà không biết đó là hàng Đạt đã mua trái phép.

Chị T.T.K.M. cũng cho rằng hoàn toàn không biết gì về người gửi hàng từ nước ngoài về. Trước đó, Đạt có gặp chị M. và đặt vấn đề thuê giấy CMND để Đạt sử dụng nhận hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Chị M. đồng ý và chấp nhận giá thuê do Đạt đưa ra, từ 300 - 500.000 đồng/lần. Toàn bộ số hàng gửi về Việt Nam, đứng tên và địa chỉ người nhận là chị M., nhưng thực tế việc nhận hàng là do Đạt thực hiện...

Cũng với thủ đoạn tương tự, Nguyễn Thanh Sơn (29 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) đã điều hành đường dây mua hàng trái phép có trị giá gần 2 tỷ qua các trang web tại Mỹ, chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Cơ quan điều tra cũng đã xác định Nguyễn Thái Bình và Mai Thùy Trang là 2 cá nhân đứng tên nhận hàng cho Sơn 8 kiện hàng, đã bị cơ quan điều tra thu giữ tại  kho TCS thuộc Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất.

Đầu tháng 5/2015, cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất hồ sơ vụ án, đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Sơn và 5 bị can khác trong đường dây về tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.       

T.Hà
.
.
.