Tìm hiểu luật khiếu nại, tố cáo:

Thẩm quyền giải quyết quyết định kỷ luật cán bộ, công chức

Chủ Nhật, 10/12/2006, 14:09
Theo quy định thì khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của thủ trưởng cơ quan nào thì thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết; trong trường hợp còn khiếu nại tiếp thì thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.

Chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc sở có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền: Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành; giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc sở đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại này là quyết định cuối cùng.

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền: Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại này là quyết định cuối cùng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thẩm quyền: giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành; giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại. Quyết định giải quyết này là quyết định cuối cùng.

Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật thuộc thẩm quyền; trong trường hợp cần thiết thì giao cho cơ quan, bộ phận quản lý nhân sự hoặc cơ quan thanh tra cùng cấp tiến hành xác minh kết luận và kiến nghị việc giải quyết

PV
.
.
.