Tai nạn xe buýt gia tăng: Trách nhiệm chính thuộc về lái xe

Thứ Hai, 22/11/2010, 13:50
Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 11, tại Hà Nội đã xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe buýt ngay tại bến và điểm dừng xe buýt. Một trường hợp bị kẹp chân vào cửa xe buýt rồi bị bánh xe nghiến nát đùi, một trường hợp cũng bị chấn thương nghiêm trọng khi bị cánh cửa xe đóng lại, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Sau hai vụ việc xảy ra, đường dây nóng Báo CAND đã nhận được nhiều phản ánh của người dân nói lên sự lo ngại trước những tình huống xảy ra khi đi xe buýt.

Nhà xe giục nhanh, hành khách cuống!

Chị Trần Thị Hạnh ở huyện Đông Anh, Hà Nội phản ánh: "Tôi thường xuyên đi làm bằng xe buýt và thường chứng kiến nhiều tình huống xảy ra trên xe cũng như trên đường. Ngoài những chuyện xung quanh vấn đề văn hoá đi xe từ phía hành khách, tôi rất bất bình với thái độ của một số lái xe.

Khi xe vừa đến điểm dừng, hành khách chuẩn bị bước xuống xe thì liên tục bị lái xe, phụ xe nhắc: "Xuống nhanh cho người ta lên!". Hoặc chỉ là một câu đơn giản: "Nhanh lên!". Nhiều người già, phụ nữ dù có chân chậm, mắt mờ cũng phải cố bước nhanh để khỏi bị gắt.

Bác Nguyễn Như Cương, ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng phản ánh: "Tôi già rồi, mỗi lần lên xuống xe buýt là ngại lắm. Lái xe đi nhanh, tạt vào điểm đỗ cũng nhanh, rồi phóng đi cũng nhanh. Cửa lên xuống của xe buýt lại cao nữa chứ. Thế nên nếu khách không xuống nhanh thì tai nạn xảy ra như chơi".

Quả đúng như tâm sự của bác Cương, tôi cũng là khách đi xe buýt thường xuyên và cũng chứng kiến nhiều lần sự việc này. Tuyến Quốc lộ 3 có phương tiện tham gia giao thông khá thông thoáng nên một số xe buýt từ cầu Đuống qua Quốc lộ 3 đi thị trấn Đông Anh, Sóc Sơn hay đi với tốc độ nhanh. Khi gần đến điểm dừng, lái xe mới tạt nhanh dừng xe, hành khách vội vàng lên xuống. Với thanh niên, việc lên xuống xe nhanh chậm là không quan trọng, nhưng với người già, trẻ em, phụ nữ có thai mà đặc biệt là người say xe thì là cả một vấn đề.

Có lần, xe đến điểm dừng, phụ xe giục: "Nhanh, nhanh!", tức thì một hành khách nam lên tiếng: "Bác tài chậm thôi, có người già đấy!". Lo ngại cho sự an toàn của hành khách khiến người trên xe phải lên tiếng. Đó là chưa kể đến những phụ nữ bị say xe. Đối với họ, ngồi trên ôtô đã là một cực hình, chiếc xe lại liên tục tạt vào, tạt ra khiến người bị say xe càng như bị tra tấn. Thế rồi, khi gần đến bến, họ phải đứng trên chiếc ôtô chòng chành, rồi phải nhanh chóng bước xuống xe trong trạng thái lảo đảo.

Trường hợp này, nếu lái xe không thông cảm mà vẫn giục hành khách, muốn đi nhanh thì rất dễ gây ra tai nạn cho hành khách ngay tại điểm dừng đỗ. Thậm chí, có người vừa bế con xuống xe, chưa kịp bước ra xa khỏi xe buýt thì chiếc xe đã nhanh chóng vọt đi khiến thành xe sượt qua mặt em bé. Những người chứng kiến sự việc trên không khỏi bàng hoàng.

Hành khách cần thận trọng khi lên, xuống xe buýt.

Mặc dù công ty quản lý các tuyến xe buýt đều có quy định chặt chẽ về hành trình xuất bến, rời bến, đóng, mở cửa xe. Nhưng thực tế, nhiều lái xe để khách lên xe vào lối xuống, hoặc xuống xe vào lối lên, dù thời điểm đó không đông khách. Việc lái xe buýt không tuân thủ quy định về mở, đóng cửa đã dẫn đến hậu quả không thể kiểm soát. Hai vụ tai nạn gần đây nhất là bài học điển hình.

Hành khách chịu hậu quả nặng nề

Trưa 2/11, xe buýt số 12 của Xí nghiệp xe buýt Hà Nội rời bến Kim Mã, hướng ra đường Giảng Võ, cánh cửa chưa đóng. Cô sinh viên Nguyễn Thị Hương, Trường Đại học Công đoàn cố lên xe khi cửa còn mở và xe chạy chậm. Nhưng không may, đúng lúc cô bước lên xe thì cánh cửa khép lại khiến chân bị mắc kẹt. Khi Hương kêu lên thất thanh, lái xe mở cửa, nhả chân cô gái ra thì cô bị ngã, bánh sau chiếc xe cán vào một phần cơ thể. Hương được đưa vào bệnh viện cấp cứu với chấn thương rất nặng.

Chỉ sau ngày cô sinh viên Hương bị nạn, ngày 11/11, bà Nguyễn Thị  Nga gần 70 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng bị nạn với chiếc xe buýt số 12. Khi bà Nga bước xuống xe buýt trên phố Định Công, quận Hoàng Mai thì bất ngờ bị cánh cửa xe đóng lại, đạp vào khiến bà ngã cuốn vào gầm xe. Bánh xe buýt đã gây thương tích nghiêm trọng cho bà Nga tại phần ngực.

Tới ngày 19/11, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu về hậu quả của vụ tai nạn xe buýt nghiêm trọng này, ông Nguyễn Việt Triều, Giám đốc Xí nghiệp xe buýt Hà Nội cho biết, hai nạn nhân hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, tình trạng sức khoẻ của bà Nga vẫn rất nguy kịch. Hai lái xe buýt liên quan trong vụ tai nạn này là Trần Tuấn Anh và Nguyễn Quang Minh đang nghỉ lái, phục vụ công tác điều tra của cơ quan Công an. Hai chiếc xe buýt cũng bị tạm gữ tại cơ quan Công an.

Nói về công tác khắc phục hậu quả tai nạn, ông Triều cho biết: "Gia đình và nhà xe đang phối hợp với cơ quan y tế chữa chạy cho bệnh nhân sớm bình phục sức khoẻ, hạn chế tối đa ảnh hưởng sức khoẻ cho nạn nhân. Khi sức khoẻ hai bệnh nhân này ổn định thì chúng tôi mới bàn tiếp về trách nhiệm dân sự đối với hành khách".

Ông Triều cũng thừa nhận, trường hợp để xảy ra tai nạn đối với sinh viên Hương là có trách nhiệm của lái xe không đóng cửa sau khi rời bến. Còn trường hợp xảy ra đối với bà Nga là do áo của bà Nga bị kẹp vào cửa xe.

Về nguyên nhân xảy ra tai nạn, cơ quan Công an sẽ có kết luận cụ thể. Nhưng rõ ràng, để xảy ra tai nạn có trách nhiệm của lái xe. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những người lái xe buýt, đặc biệt là cơ quan quản lý các tuyến xe buýt. Bên cạnh đó, hành khách cũng phải thật cẩn thận, tự bảo vệ tính mạng của mình. Không nên vì vội vàng mà phải gánh chịu hậu quả đau lòng

Việt Hà
.
.
.