Sử dụng thiết bị nghe lén, nghe trộm thông tin trên mạng viễn thông sẽ xử lý như thế nào?

Thứ Ba, 02/12/2014, 10:41
Hỏi: Hiện nay, các thiết bị, phần mềm có chức năng nghe lén, nghe trộm được rao bán tràn lan một cách công khai trên thị trường và được khá nhiều khách hàng sử dụng. Xin hỏi những người có hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý như thế nào? (Nguyễn Thị Nguyệt Lan – quận 1, TP Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 38, Bộ luật Dân sự thì quyền bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ và tôn trọng. Hành vi sử dụng thiết bị nghe lén, nghe trộm thông tin trên mạng viễn thông của tổ chức, cá nhân thuộc một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông quy định tại Điều 12 Luật Viễn thông năm 2009. Người có hành vi vi phạm tùy theo mục đích, tính chất và mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, như sau:

1. Xử phạt hành chính: Hành vi sử dụng thiết bị nghe lén, nghe trộm có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 (có hiệu lực từ ngày 15/01/2014), đơn cử như: phạt tiền từ 10/20 triệu đồng với một trong các hành vi như truy nhập trái phép cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng; thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể.

2. Xử lý hình sự: Nếu hành vi nghe lén, nghe trộm thông tin trên mạng viễn thông của những đối tượng này là nguy hiểm cho xã hội, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo những tội danh tương ứng: Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 125 BLHS).  Nếu hành vi phạm tội thuộc khoản 1 thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 – 5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1năm. Phạm tội thuộc khoản 2 bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 - 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 - 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm; Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác (Điều 226a BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm và mức cao nhất là 12 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm; Tội gián điệp (Điều 80 BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là 5 năm tù và mức cao nhất là tử hình. Ngoài ra, đối tượng vi phạm nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Công ty luật TNHH Đào Ngọc Lý
.
.
.