Sóng biển ‘nuốt’ dần Cửa Đại

Thứ Sáu, 18/09/2015, 09:09
Sau cơn bão số 3, bờ biển Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam, càng bị sạt lở nghiêm trọng. Biển đã lấn sâu vào đất liền, tiến sát đến nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, vốn đã vắng khách từ 2 năm qua do biển đã “nuốt” bãi tắm. Tốc độ tàn phá của thiên nhiên đối với bờ biển Cửa Đại khiến các nhà quản lý và du khách phải lo lắng…

Vài năm trở lại đây, biển Cửa Đại đã xâm thực, lấn sâu vào đất liền gần 200m, với chiều dài dọc bờ hơn 1km. Đặc biệt, xói lở xảy ra nghiêm trọng đã xảy ra vào mùa mưa bão tháng 10/2014, sau một đêm bờ biển này bị xâm thực 30-40m.  

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận: Việc sạt lở bờ biển Cửa Đại đang được dư luận rất quan tâm. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Bởi vậy, đầu tháng 9/2015, tỉnh đã tổ chức một hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học để nghiên cứu, đánh giá và tìm kiếm giải pháp nhằm hãm đà xâm thực của biển, đảm bảo tính mạng, tài sản nhân dân và giữ được bãi tắm Cửa Đại. Tình trạng xói lở cửa sông, bờ biển Cửa Đại được một số nhà chuyên môn cho rằng, có liên quan đến việc khai thác cát rầm rộ trên sông Thu Bồn và việc các thủy điện đầu nguồn chặn dòng.

Bờ biển Cửa Đại bị sóng biển xâm thực dữ dội.

GS.TS Trần Đình Hòa, PGĐ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khẳng định: “Ngoài việc do thiên tai gây ra thì nguyên nhân chính như nạn khai thác cát quá mức, tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn dẫn đến sạt lở ở hạ du”.  Còn GS.TS. Hitoshi Tanaka, nguyên Chủ tịch Hội Quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thuỷ văn môi trường - vùng châu Á Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch Hội xây dựng dân dụng Nhật Bản (JSCE) thì phán đoán, việc xói lở bờ biển Cửa Đại có tác động từ việc suy giảm bùn cát từ thượng lưu do các đập thủy điện.

Hiện tượng này rất giống ở Nhật Bản nhưng các giải pháp đưa ra phải khác vì ở Nhật Bản chỉ cần dùng giải pháp công trình (xây dựng kè, mũi hàn,...) là xử lý được, trong khi ở Cửa Đại do đây là bãi biển du lịch nên không thể dùng giải pháp công trình mà phải dùng giải pháp nuôi bãi, tức là phải tìm giải pháp bù đắp lượng cát bị hao hụt, đồng thời với việc sử dụng các giải pháp khác ngăn chặn xâm thực. v.v...

Thực tế từ năm 2013 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để dựng kè chắn sóng ven biển Cửa Đại. Nhưng những hàng cọc sắt, kè bê tông không chống chọi lại sức mạnh sóng biển. Hàng loạt đoạn kè vừa xây xong bị sóng đánh sập; hoặc có tình trạng, kè chắn vị trí này, bờ biển lại xâm thực, xói lở mạnh ở vị trí khác…

Để kè các bãi tắm từ An Bàng về Cửa Đại, cần phải đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Đây là con số quá lớn đối với ngân sách của tỉnh Quảng Nam. Mà xây kè toàn tuyến cũng đồng nghĩa với việc các bãi tắm bị “khai tử”. Trong khi chờ một đề tài nghiên cứu mang tính khoa học cao về nguyên nhân xâm thực bãi biển Cửa Đại và các giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng xói lở diễn ra ngày càng nhanh, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây kè tại các vị trí bị xói lở mạnh. 

UBND tỉnh cũng đang tiến hành rà soát tất cả các dự án khai thác cát trên sông, kể cả những nơi được cấp phép khai thác, để xác định lại phạm vi, khối lượng khai thác cho phù hợp, không thể để tình trạng khai thác cát làm trầm trọng thêm tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại.

Thân Lai
.
.
.