Sơn vạch, làm gờ giảm tốc độ: Mỗi nơi mỗi kiểu
Thời gian qua, Cục Đường bộ Việt Nam và Khu Quản lý đường bộ II thường xuyên tiếp nhận công văn của UBND, Ban An toàn giao thông các tỉnh gửi về cùng đề nghị một nội dung: Tình trạng TNGT ở địa phương ngày càng có những diễn biến phức tạp, gây tử vong và bị thương cho nhiều người.
Nguyên nhân dẫn đến TNGT phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông, song một phần nữa là do công tác tổ chức giao thông trên các tuyến quốc lộ còn hạn chế, trong đó có những điểm đen về TNGT.
Trong công văn của mình, các địa phương đề nghị các ngành hữu quan kiểm tra và xử lý lại một số công trình báo hiệu đường bộ bị mờ vạch sơn kẻ đường, biển báo hiệu không phù hợp hoặc thiếu…
Sau cuộc họp liên ngành giữa đại diện Khu Quản lý đường bộ II, Ban An toàn giao thông các tỉnh, chính quyền các địa phương thường xảy ra tai nạn đều đưa ra đánh giá chung:
Nguyên nhân xảy ra TNGT chủ yếu là do người điều khiển phương tiện giao thông thường xuyên chạy quá tốc độ cho phép, lấn làn đường. Vì vậy cần sơn vạch giảm tốc, làm gờ giảm tốc để hạn chế tốc độ của các phương tiện khi đi qua điểm đen, đồng thời xử lý các hành vi lấn đường và chạy quá tốc độ.
Trong khi đề xuất của các địa phương còn đang được cơ quan hữu quan xem xét, tìm phương án giải quyết thì ngày 8/5/2007, UBND tỉnh Hà Tây lại có công văn gửi Khu Quản lý đường bộ II với nội dung: "Đề nghị Khu và Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 222 xử lý hành lang an toàn giao thông, các vị trí thường xảy ra tai nạn giao thông, có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn giao thông như: sơn gờ giảm tốc, hoặc làm dải cưỡng bức giảm tốc độ…".
Kèm theo đó là công văn của Sở hữu quan đề nghị làm gờ giảm tốc cụ thể ở những địa bàn nào, mỗi đoạn có chiều dài bao nhiêu mét.
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND sáng 23/5, ông Ngô Xuân Lâm - Trưởng phòng Quản lý giao thông, Khu Quản lý đường bộ II cho biết: Tình hình TNGT ở những khu vực có sơn giảm tốc và không có sơn giảm tốc thật sự là một bài toán nan giải.
Trong những kiến thức quản lý đường bộ cho thấy, để có cơ sở dữ liệu về TNGT cần có sự kết hợp của đơn vị quản lý đường bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông, bệnh viện.
Bên cạnh đó thì sơn giảm tốc hay gờ giảm tốc chỉ nên áp dụng đối với những đoạn đường hẹp, đường giao nhau và những điểm có người đi bộ qua đường, chứ không nên áp dụng tràn lan, gây lãng phí tiền bạc Nhà nước, thậm chí tạo ra tâm lý không tốt cho các lái xe khi phải đi qua nhiều đoạn đường có sơn giảm tốc hoặc gờ giảm tốc.
Ngay cả trong Luật Giao thông đường bộ cũng nêu: Đối với đường cấp cao (quốc lộ lớn) phải được ưu tiên so với đường cấp thấp (các đường nối, giao với quốc lộ).
Điều đó có nghĩa là không nên tạo ra những vật cản trên đường chính. Còn đối với các đường thấp hay đường nội thị mà đã có đủ hệ thống biển báo, thì cần phải được nghiên cứu kỹ trước khi tiến hành sơn giảm tốc.
Quan trọng nhất là các lái xe phải làm chủ được tốc độ khi tham gia giao thông trên đường. Từ tìm hiểu thực tế của chúng tôi cho thấy, tình trạng sơn giảm tốc và làm gờ giảm tốc hiện đang diễn ra tràn lan ở nhiều địa phương.
Cụ thể là ở đường vào Bệnh viện 103, TP Hà Đông (Hà Tây) có đoạn đường chỉ có 1km song lại có khoảng 20 gờ giảm tốc. Điều đó đã gây hư hại cho phương tiện tham gia giao thông, và người điều khiển phương tiện giao thông cũng gặp tai nạn ở đoạn đường này.
Tại nhiều đoạn ở TP Hà Nội, TP Việt Trì (Phú Thọ) dù ở ngã tư đã có hệ thống biển báo an toàn giao thông đầy đủ, nhưng họ vẫn đề nghị cho sơn giảm tốc.
Hoặc ở Lạng Sơn, mặc dù tại các đoạn cong trên đường chính đã được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, có đầy đủ hệ thống báo hiệu an toàn giao thông, nhưng tỉnh vẫn đề nghị sơn giảm tốc tại các đường cong.
Theo ý kiến của Khu Quản lý đường bộ II thì, nếu làm hết theo yêu cầu của tỉnh sẽ tốn kém kinh phí của Nhà nước và không cần thiết.
Sơn giảm tốc thường có độ dày từ 4-6 li, trong đó đoạn dài nhất nằm ở đường Pháp Vân - Cầu Giẽ tới 500m. Còn gờ giảm tốc có chiều cao 10cm, chiều dài hết mặt ngang đường. Kinh phí để đầu tư vào việc này là rất đáng kể.
Như để minh chứng cho việc sơn giảm tốc trên các tuyến đường hiện nay đang là bài toán nan giải, Khu Quản lý đường bộ II đã đưa ra 2 ví dụ.
Đó là việc đơn vị hữu quan của TP Hải Phòng đã có văn bản đề nghị cho gia cố thêm chiều cao của vạch sơn giảm tốc. Tuy nhiên sau đó, cũng chính đơn vị này lại có văn bản đề nghị trả lại nguyên trạng thái ban đầu của các vạch sơn, gờ giảm tốc vì vấn đề môi trường và sự an toàn giao thông.
Cũng trong thời gian qua, thì khu vực Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu và xử lý vạch sơn giảm tốc vì đó là nguyên nhân gây ra độ rung lớn, cũng như những bất cập khác ở khu đông dân cư…
Kết thúc buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II nhấn mạnh: Cần có một quy trình chung trong việc sơn giảm tốc và làm gờ giảm tốc. Trong đó, những điểm nào cần sơn giảm tốc thì nên có kế hoạch ngay khi làm con đường mới để vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa tránh sửa chữa, bổ sung gây khiếm khuyết không cần thiết.
Và để rút kinh nghiệm như Hải Phòng và địa bàn Phù Lỗ thì các địa phương cần vào cuộc mạnh hơn để hạn chế tình trạng TNGT, chứ đừng thụ động khi coi việc sơn giảm tốc hoặc làm gờ giảm tốc là có thể hạn chế được TNGT