Làm rõ hành vi các đối tượng trong vụ phá rừng ở Phong Nha Kẻ Bàng

Thứ Tư, 20/03/2019, 20:45
Ông Hoàng Đăng Quang-Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành tiến hành khẩn trương điều tra làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng này và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 30-3-2019.


Ngay sau khi vụ phá rừng rất nghiêm trọng xảy ra ngay giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng-Di sản thiên nhiên thế giới (Vườn PNKB), được báo chí phanh phui, ông Hoàng Đăng Quang-Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành tiến hành khẩn trương điều tra làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng này và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 30-3-2019.

Một góc hiện trường vụ phá rừng ở Phong Nha Kẻ Bàng.

Ngày 20-3, tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập đoàn liên ngành để điều tra vụ việc. Theo đó, đoàn liên ngành bao gồm: Công an huyện Bố Trạch, viện Kiểm sát nhân dân huyện Bố Trạch, hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình và hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. 

Theo ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: “Đoàn liên ngành điều tra, giám sát một cách chặt chẽ, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, không bỏ lọt hay bao che sai trái. Trách nhiệm quản lý thuộc về đơn vị nào thì sẽ xử lý một cách nghiêm túc, theo đúng pháp luật”. 

Trong quá trình điều tra, đoàn liên ngành sẽ thường xuyên kiểm tra chéo, đối chiếu, so sánh cụ thể để đánh giá mức độ thiệt hại, khối lượng gỗ bị thiệt hại…

Như trước đó Báo CAND đã đưa tin, tại vùng lõi Vườn PNKB, qua tiến hành kiểm tra hiện trạng tài nguyên rừng tại các tiểu khu 649, 650 có 66 cây gỗ bị khai thác trái phép, với tổng khối lượng thiệt hại khoảng 70m³. Trong đó có 45 cây gỗ mun, nhóm IIA, 21 cây còn lại là táu, tràm, trường sang, nang, bài lài, nhộng, bộp…bị cưa để phục vụ việc khai thác gỗ mun, phong lan. Toàn bộ các cây gỗ đều bị cưa hạ, chặt phá bằng máy cưa xăng.

Sông Lam
.
.
.