Sẽ làm rõ nghi vấn về cổ vật xe kéo Triều Nguyễn

Thứ Ba, 02/06/2015, 08:37
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, người có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa triều Nguyễn nghi ngờ về cổ vật xe kéo của vua Thành Thái đặt tặng mẹ là Hoàng Thái hậu Từ Minh...

Cổ vật xe kéo của vua Thành Thái tặng mẹ là Hoàng Thái hậu Từ Minh đã được Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đấu giá thành công tại Pháp và đưa về trưng bày tại cung Diên Thọ, Đại Nội Huế, sau hơn 100 năm lưu lạc, được xem là một sự kiện quan trọng, bởi đây là một trong những cổ vật đầu tiên của Việt Nam được đấu giá thành công ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều nhà chuyên môn, giới nghiên cứu đang tỏ ra nghi ngờ khi cổ vật này không có những dấu ấn của hoàng gia…

Xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh có chiều cao 136cm, dài 230cm, rộng 102cm, được làm bằng gỗ lim, do xưởng Hoàng Hưng ở Hà Nội sản xuất, trong đó phần chạm khảm xà cừ do các nghệ nhân nổi tiếng ở làng Kinh Lược, Hà Nội đảm nhận. Bề ngoài xe sơn màu đen và khảm xà cừ với màu sắc đa dạng. Đặc biệt, ở giữa lưng xe (phần mặt sau) là bức tranh hoa hồng. Ngoài ra, các bộ phận khác của xe kéo, như càng xe được trang trí bằng vòng bằng kim loại màu trắng, mui xe được gắn ống đồng, bánh xe được niền sắt...

Chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh bị nghi vấn khi không có dấu ấn hoàng gia.

Chiếc xe kéo được Trung tâm BTDT Cố đô Huế đưa về trưng bày tại cung Diên Thọ (Đại Nội Huế) vào ngày 22/4/2015, sau khi đấu giá thành công tại Văn phòng Rouillac (Pháp), với phí gần 56.000 euro. 

Tuy nhiên, sau khi xem chiếc xe kéo và tìm hiểu các thông tin về cổ vật này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bày tỏ nghi vấn, cho rằng: “Nếu nhà vua đã có chủ ý đặt xe tặng mẹ thì chắc chắn phải có dấu ấn của hoàng gia; hoặc biểu tượng của hoàng triều, cụ thể là hình ảnh chim phượng hoàng dành cho bậc nữ giới cao quý trong hoàng gia, chứ không phải là những hoa văn hoa, lá cành được chạm khảm bình thường trên xe kéo”.

Ông Hoa dẫn chứng rằng, nhiều vị vua triều Nguyễn khi mua đồ gốm sứ ở Pháp cũng thường để lại những dấu ấn rất rõ ràng. Cụ thể, năm 1889, vua Thành Thái đặt mua nhiều đồ sứ tại Pháp và trên các vật dụng này đều được in hình rồng 5 móng và tên nước Đại Nam bằng chữ Hán. Hay năm 1922, vua Khải Định cũng đặt mua nhiều đồ sứ ở Pháp và trên các sản phẩm đều có hình ảnh rồng 5 móng, cây bảo kiếm và tên vua Khải Định bằng chữ Hán...

Bản viết tay được cho của vua Thành Thái khi bán một số đồ vật, trong đó có chiếc xe kéo cho người Pháp.

Theo ông Hoa, trong cung Diên Thọ còn có trưng bày chiếc kiệu của bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) và trên chiếc kiệu này cũng được sơn son thếp vàng, khắc hình ảnh chim phượng hoàng... thể hiện bậc cao quý trong hoàng cung. Trong khi đó, chiếc xe kéo được làm bằng gỗ, chạm khảm xà cừ là chất liệu rất dân gian. 

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, người có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa triều Nguyễn cũng nghi ngờ về cổ vật xe kéo của vua Thành Thái đặt tặng mẹ là Hoàng Thái hậu Từ Minh. Đặc biệt, theo ông An, việc trang trí chữ Thọ (viết bằng chữ Hán) phía sau lưng xe kéo là “quá bình thường”, khi mà vào thời đó, các quan lại, nhà giàu đều có thể trang trí chữ Thọ trên vật dùng của họ.

Trao đổi về các vấn đề nghi vấn quanh cổ vật xe kéo được dư luận nhắc đến, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho hay: Trước khi tham gia đấu giá 2 cổ vật tại Pháp, Trung tâm đã báo cáo xin chủ trương của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế và tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực cổ vật, như TS. Phạm Quốc Quân (nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), TS. Nguyễn Đình Chiến (nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu và sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn...

“Hiện Trung tâm BTDT Cố đô Huế đang có một tệp hồ sơ hiện vật dưới dạng sao chụp lại (bản scan định dạng đuôi *pdf) do nhà đấu giá Rouillac cung cấp  gồm 39 trang liên quan đến hiện vật xe kéo. Đây là một tệp hồ sơ hoàn chỉnh, gồm thư từ, ghi chú, các bài cắt ở báo chí, hình ảnh, biên nhận viết tay có chữ ký của vua Thành Thái và có giá trị pháp lý. Đặc biệt là những bài báo đăng ở một tạp chí vào ngày 26/10/1907 (từ trang 265-269) đề cập đến việc vua Thành Thái bán chiếc xe kéo với những xuất xứ đã nêu cho ông Jourdan, trong đó có tờ giấy biên nhận do vua Thành Thái viết tay. Có thể nói, đây là một bộ hồ sơ đầy đủ nhất trong việc đấu giá cổ vật từ trước đến nay. Mặt khác, từ khi nhận thông tin đến lúc tham gia đấu giá, do không có nhiều thời gian nên buộc chúng tôi phải quyết đoán chứ không thể chần chừ...”, ông Hải cho biết thêm. 

Cổ vật xe kéo không có dấu ấn của hoàng gia, theo giải thích của ông Hải, tại thời điểm những năm đầu của thế kỷ XX, xe kéo đang còn là một phương tiện “tân kỳ”, hoàn toàn không nằm trong các điển chế của triều đình nhà Nguyễn (như mũ áo, kiệu cáng, võng lọng...) và dĩ nhiên không bị các điển chế chi phối. Mặt khác, chiếc xe được vua đặt hàng ở Hà Nội, là chiếc xe đầu tiên được đưa về Huế vào thời điểm này nên không có dấu ấn rồng, phụng cũng là điều hết sức bình thường (?!).

“Việc có nhiều người nghi ngờ về xuất xứ của chiếc xe kéo là do không nắm rõ thông tin. Để làm sáng tỏ nghi vấn liên quan đến cổ vật này, hiện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp hoàn tất các thủ tục để đưa bộ hồ sơ gốc của xe kéo về Việt Nam. Sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ công bố rộng rãi toàn bộ những thông tin cần thiết về chiếc xe để rộng đường dư luận”, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.