Sạt lở nhiều điểm rừng tự nhiên tái sinh ở đầu nguồn

Thứ Năm, 17/12/2020, 10:26
Sau những đợt mưa lớn kéo dài dẫn đến lũ ống, lũ quét đã khiến nhiều điểm rừng tự nhiên tái sinh hàng chục năm tuổi ở vùng đầu nguồn huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị, bị sạt lở nghiêm trọng.

Nguyên nhân sạt lở là do rừng tái sinh chưa giữ được lượng nước và độ ẩm quanh năm. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi chính là do rừng nguyên sinh trước đây bị tàn phá bởi con người…

Trên tuyến đường từ trung tâm huyện Hướng Hóa vào xã Hướng Linh, chúng tôi chứng kiến rất nhiều điểm rừng tự nhiên tái sinh do Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Hướng Hóa – Đakrông quản lý và bảo vệ, bị sạt lở sau những trận lũ quét vào các tháng 10 và 11-2020. Đứng bên vệ đường nhìn lên những quả đồi cao, từng mảng rừng lớn bị sạt lở, kéo theo đất, đá sạt xuống đỏ au. Nhiều cây rừng phần ngọn bị chôn vùi dưới lớp đất, đá gốc rễ lộn ngược, chổng lên trời. 

Ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc BQL RPH Hướng Hóa – Đakrông cho biết, tại địa điểm này có khoảng 25ha rừng tự nhiên tái sinh hơn 40 năm tuổi, có chức năng phòng hộ đầu nguồn, bị sạt lở, không thể phục hồi được. Cách địa điểm này không xa, hàng chục hecta rừng trồng tự nhiên hơn 25 năm tuổi, thuộc địa bàn xã Hướng Tân, có chức năng phòng hộ đầu nguồn, cũng bị sạt lở la liệt. Cây cối, đất, đá trên những đồi cao đổ sụp xuống, lấp hết các khe suối, ruộng đồng, lán trại bảo vệ rừng xung quanh.

Tình trạng sạt lở gia tăng tại nhiều cánh rừng miền Trung sau mưa lũ.

 Chúng tôi trở ra nhánh Tây đường Hồ Chí Minh để đi các vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn các xã Hướng Phùng, Hướng Việt và Hướng Lập. Đứng bên vệ đường nhìn hai bên rừng sạt lở từng mảng lớn. Đường Hồ Chí Minh cũng bị sạt lở, đứt gãy tại nhiều điểm. Tại các điểm thỉnh thoảng thấy những gốc cây gỗ lớn trên các vùng rừng cao đổ về, đâm xé lòng đường, mắc vào lớp bùn đất dày. Sạt lở núi đã làm thay đổi hẳn phong cảnh thiên nhiên vốn rất đẹp đẽ và kỳ vĩ của rừng Trường Sơn. 

Nhiều khoảng rừng tự nhiên tái sinh bạt ngàn bỗng chốc biến mất chỉ qua những trận lũ quét, lũ ống và lở núi để lộ những sườn đất lở lói, nham nhở, ngổn ngang như bãi chiến trường. Ở hai bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Hướng Việt, Hướng Lập và trong vườn nhà dân đến thời điểm này còn ken dày gốc cây, gỗ mục lẫn gỗ tươi. Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cho biết, đơn vị đã phối hợp với các UBND xã, Kiểm lâm địa bàn, tổ chức rà soát diện tích rừng bị thiệt hại do thiên tai gây ra, kết quả có 83 điểm sạt lở nghiêm trọng tại 16 tiểu khu ở địa bàn 5 xã, gồm Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Sơn và Hướng Lập, gây ra thiệt hại hơn  192ha rừng đều thuộc rừng đặc dụng, rừng tự nhiên phòng hộ. Trong đó, địa bàn xã Hướng Việt và Hướng Sơn bị thiệt hại nặng nhất với gần 160ha. 

Còn theo ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc BQL RPH Hướng Hóa – Đakrông, rừng do đơn vị quản lý gần 30.000ha, sau các trận lũ ống, lũ quét và lở núi vừa qua, thống kê có trên 65ha tại 28 tiểu khu ở địa bàn 11 xã, thị trấn bị sạt lở. Trong đó, rừng tự nhiên tái sinh gần 60ha, rừng trồng hơn 5ha. Nguyên nhân, vào các tháng 10 và 11-2020, Quảng Trị xảy ra mưa lớn kéo dài, có lúc chỉ sau 1 giờ đồng hồ, lượng mưa đo được tại Khe Sanh – Hướng Hóa là gần 900mm. Do mưa lớn xảy ra liên tục trong nhiều ngày khiến sạt lở núi; đặc biệt là những điểm rừng có độ dốc lớn, từ khoảng 450 trở lên, sạt lở xảy ra phổ biến và nghiêm trọng. 

Một thực tế khác, rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn huyện Hướng Hóa chủ yếu là rừng tự nhiên tái sinh, có độ tuổi chưa đủ lớn để tạo thành rừng tự nhiên theo đúng nghĩa với đầy đủ 3 tầng lá, có nghĩa bên cạnh cây gỗ lớn, các loài cây khác mọc hỗn giao ở bên dưới, cùng thảm thực bì dày đặc và có ít nhất 3 loại động vật sinh sống. Ở rừng già tự nhiên, nắng, mưa không thể chiếu qua hay xuyên qua được tầng lá thứ 3, do đó chúng thường xuyên giữ được lượng nước, độ ẩm vừa phải quanh năm, mà không bị nước ồ ạt thấm vào đất gây ra tình trạng sạt lở như ở rừng trồng tự nhiên và rừng tự nhiên tái sinh.

Tình trạng sạt lở gia tăng tại nhiều cánh rừng miền Trung sau mưa lũ.

Bên cạnh thiên tai, còn có nguyên nhân khác do tác động của con người. Trong đó, chủ yếu do áp lực sinh kế người dân dẫn đến xảy ra tình trạng xâm lấn rừng để phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp; không ít vùng rừng, đặc biệt rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn bị lén lút khai thác trái phép để lấy khối lượng lớn gỗ bán chui, bán lậu. Người dân xã Hướng Sơn (Hướng Hóa) đã ghi lại được nhiều hình ảnh rừng ở đây với nhiều cây gỗ to lâu năm bị đốn hạ không thương tiếc và bị cưa xẻ ngang nhiên trong khu vực cấm cửa rừng…

Thanh Bình
.
.
.