Rừng thông chết cháy vì bị “đầu độc” bằng hóa chất

Chủ Nhật, 30/11/2014, 18:57
Hàng ngàn cây thông từ 25 – 30 năm tuổi ở xã Quảng Sơn, hyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông đang bị chết cháy do bị “đầu độc” bằng hóa chất. Điều đáng nói là tình trạng trên đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng đến nay các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn khiến cho rừng thông ở đây đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Tiêm hóa chất giết cây

Đi dọc trên tuyến tỉnh lộ 4 đường dẫn vào xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, chúng tô dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cánh rừng thông xanh bạt ngàn trải dài dọc hai bên đường đã bị hủy hoại một cách không thương tiếc. Hàng loạt cành cây thông đã bị rũ lá, héo khô và chết dần một cách bất thường. Tại tiểu khu 1659 (nơi có diện tích rừng thông bị hủy hoại lớn nhất) do công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý, theo quan sát của chúng tôi có khoảng hàng trăm cây thông đã bị các đối tượng dùng búa, dao phát vạc võ, đẽo khoét một lỗ sâu vào góc thân cây cách mặt đất chừng 20 – 30cm, sau đó “tiêm”  hóa chất, thuốc diệt cỏ vào làm cây ngấm và chết từ từ. Tại các vị trí bị đẽo vạc có sủi bọt màu trắng,  cành lá cây đã ngã sang màu vàng, trong đó có nhiều cây đã bị chết cháy khô. Bên cạnh đó là hàng chục cây thông đã  bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Qua thống kê, lực lượng chức năng phát hiện có 395 cây thông tại khu vực này đã bị “hạ độc” bằng thủ đoạn đổ hóa chất vào thân cây….



Không riêng gì  tiểu khu 1659  mà hầu hết các tiểu khu như 1675, 1669, 1647 nằm dọc tuyến tỉnh lộ 4 cũng đều   có   hàng trăm cây thông đường kính từ 20 – 40 cm, cao từ 25-30m đang bị “chết đứng” vì bị “tiêm” thuốc độc. Đáng chủ ý, tại tiểu khu 1646, ở  phía dưới rừng thông bị triệt hạ,  một số hộ dân đã thu gom mặt bằng, chiếm đất dựng lều lán và chuẩn bị xây nhà trái phép. Ngay tại trung tâm  UBND xã Quảng Sơn (gần khu vực rừng thông bị phá) có trụ sở của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn,  một trạm Kiểm lâm của hạt kiểm lâm huyện Đắk G’Long và các ngành chức năng của xã Quảng Sơn nhưng từ trước đến nay các lực lượng chức năng vẫn chưa phát hiện,  bắt quả tang được trường hợp nào, ngay cả những người dân đã san ủi mặt bằng chuẩn bị dựng nhà, lều lán trái phép trên đất rừng thông.



Rừng thông bị chết cháy do “uống” thuốc độc.

Ông Đặng Văn Dư, giám đốc cô ty lâm nghiệp Quảng Sơn cho biết, mục đích phá  rừng của các đối tượng  không phải là  để lấy đất làm rẫy hay lấy gỗ mà chủ yếu là  chiếm đất để bán và nới rộng, nắn đường đi qua khu đất rẫy của mình,  nhất là khi có thông tin Nhà nước mở đường dân sinh vào khu vực này thì đây sẽ là đất mặt tiền,  bán giá cao…. Mặc dù công ty đã tăng cường tuần tra nhưng vẫn bị các đối tượng lén lút chặt hạ, phá hoại  và san ủi vào ban đêm. Khi chặt phá các đối tượng thường bố trí người canh gác, cảnh giới nên việc mai phục bắt quả tang các đối tượng vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp chỉ sau một đêm đã chiếm đóng, xây dựng xong căn nhà trái phép ngay trên diện tích rừng thông bị phá. …

2.600 cây thông đã bị chết

Theo  Hạt kiểm lâm huyện Đắk G’Long, tình trạng  trên  đã diễn ra trong một thời gian dài, nhất là từ năm 2013, khi có thông tin tỉnh Đắk Nông có chia tách, thành lập thêm huyện mới Đức Xuyên , trung tâm huyện đặt tại xã Quảng Sơn thì tại khu vực rừng thông sản xuất dọc tuyến tỉnh lộ 4 thuộc địa phận xã Quảng Sơn huyện Đắk G’Long đã xảy ra nhiều vụ hủy hoại rừng thông bằng thủ đoạn “đầu độc” bằng hóa chất để chiếm đất mặt tiền. Hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, ngoài việc gọt đẽo  thân cây , họ còn  dùng khoan tay khoan một lỗ nhỏ bằng chiếc đũa sâu khoảng 4 – 5cm, sau đó đổ hóa chất thuốc diệt cỏ vào. Thời gian từ lúc  bị “đầu độc”, ngấm thuốc  cho đến lúc cây bị chết trong vòng khoảng từ 2 – 3 tháng, nếu đỗ nhiều thì chỉ chưa đầy một tháng….

Thống kê, từ năm 2013 đến nay, tại khu vực rừng thông Quảng Sơn đã có hơ  2.600 cây thông bị “bức tử” bằng thuốc độc. Tuy nhiên thực tế con số đó vẫn còn lớn hơn nhiều bởi vẫn còn rất nhiều  nhiều cây thông đang bị đầu độc nhưng bằng mắt thường không thể phát hiện  , mà phải đợi đến khi cây rủ lá chết dần  mới biết được. Ông Đỗ Ngọc Trai, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’Long cho biết : “Chúng tôi cũng đã làm nhiều  cách, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt để tình trạng này. Trước mắt Hạt kiểm lâm huyện cũng đã chỉ đạo đơn vị chủ rừng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác TTKS và tuyên truyền cho người dân  để bảo vệ số diện tích rừng thông còn lại…”.

Bá Hiển – Minh Tín
.
.
.