Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống

Quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân theo Hiến pháp năm 2013

Thứ Hai, 07/04/2014, 10:13
Ở nước ta “quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”, nói cách khác là quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Các bản Hiến pháp năm 1959, năm 1980 và năm 1992 tiếp tục ghi nhận quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân.

Thực hiện trách nhiệm bảo đảm quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, những năm qua, Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện pháp luật về xuất nhập cảnh, tạo cơ sở pháp lý để công dân thực hiện “quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”. Hiện nay, công dân có nhu cầu xuất cảnh đều được cấp hộ chiếu, không cần chứng minh mục đích xuất cảnh, thời gian xuất cảnh, nước đến. Những công dân ra nước ngoài, có nguyện vọng ở lại làm ăn, sinh sống lâu dài nhưng không được phía nước ngoài cho cư trú, Nhà nước ta sẵn sàng hợp tác với các nước liên quan ký kết thỏa thuận về việc nhận trở lại công dân, trên cơ sở bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân. Với những người do bị kích động, xúi giục, từ bỏ quê hương, đất nước, vượt biên trái phép đến các trại tạm cư ở các nước trong khu vực, nhưng không thể đến được “miền đất hứa”, Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nước liên quan tổ chức đưa họ trở về, giúp đỡ họ sớm ổn định cuộc sống ở trong nước. Đối với đồng bào định cư ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo các cơ quan chức năng cụ thể hóa và hoàn thiện các quy định về xuất nhập cảnh theo hướng thông thoáng, giải quyết thuận lợi, nhanh chóng thủ tục cho người Việt Nam ở nước ngoài hồi hương hoặc về làm ăn, sinh sống có thời hạn ở trong nước. Theo các quy định hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài được cấp giấy miễn thị thực theo Quy chế của Chính phủ. Có thể khẳng định, những đổi mới về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập cảnh là những thành tựu to lớn của Nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân.

Tiếp tục ghi nhận và bảo đảm quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, Điều 23, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Xét về bản chất, quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân trong Hiến pháp sửa đổi không thay đổi so với Hiến pháp năm 1992, nhưng đó là sự thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền xuất cảnh, nhập cảnh. Hiến pháp khẳng định nguyên tắc: Quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân được đảm bảo bằng pháp luật, do pháp luật quy định – “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo Hiến pháp, trách nhiệm bảo vệ và bảo đảm quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân trước hết thuộc về Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm ban hành pháp luật và có nghĩa vụ thực thi tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm và thúc đẩy quyền xuất cảnh, nhập cảnh của công dân. “Quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước” trong Hiến pháp được hiểu là: Công dân Việt Nam được quyền xuất cảnh ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về nước mà không bị cản trở. Quyền xuất cảnh ra nước ngoài của công dân không phụ thuộc vào nước đến, thời gian và mục đích ở lại bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Quyền này bao gồm cả quyền ra nước ngoài với mục đích làm việc, học tập, du lịch, thăm thân nhân... cũng như để cư trú lâu dài ở nước ngoài. Quyền từ nước ngoài về nước của công dân không phụ thuộc vào lý do ra nước ngoài trước đó và thời gian, địa điểm họ ở nước ngoài.

Cũng như bất kỳ quốc gia nào, quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam luôn đảm bảo nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật nhằm mục tiêu giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, hài hoà lợi ích chung và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng” (khoản 2, Điều 14). Nguyên tắc này phù hợp với khoản 2, Điều 29, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc. Về quyền xuất cảnh, nhập cảnh, Điều 12 Công ước nêu quyền tự do đi lại của mỗi người không bị hạn chế, “trừ những hạn chế do luật định do cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội”. Điều đó cho thấy, quyền xuất cảnh, nhập cảnh không phải là một quyền tuyệt đối mà có tính giới hạn, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết pháp luật các nước đều thực hiện để bảo vệ lợi ích quốc gia và công dân. Chẳng hạn, Luật Hộ chiếu Hoa Kỳ quy định chính quyền có thể từ chối hoặc thu hồi hộ chiếu vì chính sách đối ngoại hoặc các lý do an ninh quốc gia bất cứ lúc nào. Như vậy, pháp luật quy định những trường hợp công dân Việt Nam chưa được xuất cảnh do đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội...; hoặc, những trường hợp người nước ngoài chưa được nhập cảnh Việt Nam vì lý do phòng chống dịch bệnh, bảo vệ an ninh quốc gia Việt Nam... là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc.

Thực hiện nhất quán nội dung “quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước” của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp, Nhà nước ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thể chế, cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền xuất cảnh, nhập cảnh cùng với các quyền con người, quyền cơ bản khác, tạo cơ sở pháp lý và sự đảm bảo vững chắc để công dân thực hiện quyền xuất cảnh, nhập cảnh 

T.Q.T.
.
.
.