Quyền im lặng trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự
Tuy nhiên, “quyền im lặng” của người bị buộc tội không phải là không được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. “Quyền im lặng” đã được quy định một cách gián tiếp trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Quyền này được quy định trong phần quan trọng nhất của Bộ luật Tố tụng hình sự là phần các nguyên tắc cơ bản.
Điều 10, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Theo quy định tại Điều này, trách nhiệm chứng minh tội phạm (bao gồm việc chứng minh các tình tiết buộc tội, gỡ tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các tình tiết cần thiết khác) thuộc về Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án. Cũng theo Điều này, người bị buộc tội có quyền nhưng không bắt buộc (không có nghĩa vụ) phải chứng minh là mình vô tội.
Theo từ điển tiếng Việt, quyền là cái mà luật pháp, xã hội, phong tục hay lẽ phải cho phép hưởng thụ, vận dụng, thi hành... Còn nghĩa vụ là việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác. Có nghĩa là, người bị buộc tội không bắt buộc phải chứng minh họ có tội hay vô tội, cũng có nghĩa là họ không có nghĩa vụ phải đưa ra lời khai, hay đồ vật, tài liệu chứng minh tội phạm của mình. Mà đó là quyền, và đã là quyền thì họ có thể sử dụng hoặc có thể không.
Như vậy, có thể nói Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành cũng đã gián tiếp quy định về quyền không phải khai báo (quyền im lặng) của người bị buộc tội. Quy định của Nguyên tắc tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng đã được cụ thể hóa bằng “quyền được trình bày lời khai” tại các Điều 48, 49 và 50 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quy định này là sự cụ thể hóa Nguyên tắc tại Điều 10 bởi lẽ người bị buộc tội có thể sử dụng quyền này, có thể không sử dụng (có thể trình bày lời khai, hoặc không).
So với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự thêm một loại người vào thành phần người bị buộc tội đó là người bị bắt. Trong quy định về địa vị pháp lý của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định 2 phương án để quy định về quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.
Ngôn ngữ được Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự lựa chọn như sau: “Phương án 1: Trình bày lời khai; Phương án 2: Trình bày lời khai hoặc từ chối trình bày lời khai” (Điểm d, khoản 2 Điều 52; Điểm c, khoản 2 Điều 53, 54 Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự).
Vậy quy định của phương án 1 và phương án 2 có gì khác nhau? Theo chúng tôi về bản chất không có gì khác nhau. Cả hai phương án này về bản chất đều quy định về quyền của người bị buộc tội. Và đã là quyền thì họ có thể sử dụng hoặc không sử dụng.
Có nghĩa là họ khai hay không khai là quyền của họ. Điểm khác nhau của hai phương án này là nói rõ hay không nói rõ mà thôi. Trên thế giới hiện nay có nhiều mô hình tố tụng khác nhau, nhưng chung quy lại chỉ có 3 mô hình cơ bản: tố tụng tranh tụng, tố tụng thẩm vấn và tố tụng hỗn hợp.
Tố tụng hình sự là quá trình giải quyết vụ án hình sự, trong quá trình này, dù là ở mô hình tố tụng nào cũng có điểm dừng (cách thức kết thúc tố tụng) nhất định. Cách thứ nhất: hoặc là các bên tìm ra giải pháp chung và đều thỏa mãn với nó, hoặc là bên này thừa nhận đòi hỏi của bên kia. Cách thứ hai: đó là việc tìm ra sự thật đã xảy ra, các bên buộc phải tìm ra sự thật của vụ án. Mô hình tố tụng Việt Nam chọn cách thứ hai. Đó là các bên phải cùng nhau đi tìm sự thật vụ án.
Chính vì vậy, trong quá trình chứng minh vụ án hình sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Nhưng không có nghĩa là pháp luật Việt Nam khuyến khích chủ thể tố tụng bên kia bất hợp tác, che giấu sự thật vụ án, gây khó khăn cho hoạt động tố tụng, gây khó khăn cho hoạt động của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án.
Do vậy, theo chúng tôi, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “quyền được trình bày lời khai” là đầy đủ, vừa thể hiện được quyền của người bị buộc tội theo tinh thần của Hiến pháp 2013, vừa động viên, khuyến khích họ tích cực hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ sự thật vụ án. Có như vậy người bị buộc tội mới được Nhà nước khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt.
Từ những phân tích đó, chúng tôi chọn phương án 1: “Trình bày lời khai” để quy định về quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự.