Quy định cho những trường hợp cần giám hộ dân sự

Thứ Ba, 10/06/2008, 14:00

Hỏi:“Giám hộ là gì và những trường hợp nào thì công dân phải cần đến người giám hộ? Người giám hộ phải đáp ứng những yêu cầu như thế nào?” - ông Nguyễn Chí Đại trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Trả lời: Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 thì giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

Những người được giám hộ bao gồm: (1) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu; (2) Người mất năng lực hành vi dân sự. (3) Người chưa đủ mười lăm tuổi được quy định tại 2 trường hợp trên.

Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: (1) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (2) Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; (3) Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ

LS Đào Nguyên Khải (VPLS Đào & Đồng nghiệp)
.
.
.