Phí phạm nhiều công trình thuỷ lợi quốc gia đang "đắp chiếu"

Thứ Ba, 22/03/2005, 14:26
59 công trình thuỷ lợi quốc gia thuộc hai dự án B và C, trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã vượt quá nhiều thời hạn bàn giao cho các địa phương để đưa vào sử dụng. Nhưng hiện tại, các công trình trọng điểm này vẫn đang dở dang rồi ngưng trệ hẳn việc thi công. Lý do mà các nhà thầu đưa ra là thiếu vốn.

Nhiệm vụ trọng tâm của các công trình thủy lợi là: Phòng chống lụt bão, an toàn hồ chứa, cung cấp nước cho đồng ruộng, sinh hoạt công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn…

 

Chủ trương của Chính phủ là các công trình phải được xây dựng nhanh chóng và đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân và để chống "giặc lũ", "giặc hạn". Trước khi các công trình được xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công khai đấu thầu. Vì tầm quan trọng và tổng vốn xây dựng các công trình thủy lợi rất lớn, nên trong nội dung thầu có 3 vấn đề được nhấn mạnh là: Năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật và năng lực kinh nghiệm.

 

Sau khi trúng thầu, mỗi nhà thầu đều được một ngân hàng bảo lãnh cấp đủ tiền thi công. Thế nhưng, thay vì những lời hứa chắc như đinh đóng cột trước khi tham gia đấu thầu "công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ để kịp bàn giao đưa vào sử dụng" thì tại thời điểm này, có 59 công trình thủy lợi trị giá hàng nghìn tỷ đồng, thuộc sự kiểm soát của Cục Quản lý xây dựng công trình đã vượt quá thời gian quy định, nhưng kết quả vẫn chưa đâu vào đâu, mặc dù các nhà thầu đã nhận được 3/4 tổng số vốn trị giá công trình.

Đối với nhân dân ở các vùng quê, nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn là một trong những vấn đề trọng tâm được đặt lên hàng đầu. Điều này rất dễ giải thích, bởi thu nhập của người nông dân quanh năm chỉ trông vào đồng ruộng.

Không có nước phục vụ sản xuất, cây trồng không thể sống được. Tỷ lệ thuận với điều đó, cuộc sống của nhân dân sẽ gặp vô vàn khó khăn nếu không muốn nói là họ sẽ trắng tay. Còn đối với các khu vực trọng điểm thuộc khu vực đầu hoặc cuối nguồn chảy, thì công trình thủy lợi sẽ làm nhiệm vụ ngăn và thoát lũ trước mỗi đợt cao trào.

Công trình thủy lợi Thanh Lanh ở tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng với tổng số vốn khoảng 50 tỷ đồng. Đây là công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng đối với nông dân. Bởi nó có trách nhiệm cung cấp nước tưới cho toàn bộ khu vực đồng ruộng của huyện Bình Xuyên. Thế nhưng, sau 4 năm thi công, công trình thủy lợi này đã không thể hoàn thành như kế hoạch bởi có sự trục trặc.

Lý do quan trọng nhất được xác định là thiếu vốn. Không có tiền mua vật liệu xây dựng, tiền trả công nhân... hàng chục chiếc xe tải vận chuyển nguyên vật liệu buộc phải nằm "ngủ" bất đắc dĩ. Công nhân không có thu nhập, phải tranh thủ tìm việc khác thay thế để kiếm sống. Gần hai năm nay, không thể xoay được vốn, nhà thầu đã "bỏ đói" công trình khi các hạng mục mới hoàn tất được khoảng 70%.

Cùng thời điểm này, các công trình thủy lợi quan trọng khác cũng đồng loạt được khởi công như: Công trình hồ Ái Tử  ở tỉnh Quảng Trị trị giá hơn 50 tỷ; công trình kênh Hà Giang ở tỉnh Kiên Giang gần 80 tỷ đồng... Đặc biệt là công trình hồ Đá Đen ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng giá trị gần 200 tỷ đồng…

Dự kiến khi hoàn thành, ngoài việc cấp nước sinh hoạt, chống lũ, tôn nền dân cư kết hợp giao thông biên giới, công trình hồ Đá Đen còn trực tiếp cung cấp nguồn nước tưới cho hơn 2.000 ha đất canh tác. Thế nhưng, thật đáng buồn là tất cả các công trình này đang trong quá trình thi công dở dang thì phải nằm "đắp chiếu". Theo Nghị định 52 của Chính phủ, việc xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm thuộc dự  án B phải hoàn thành trong thời gian 4 năm, và dự án C phải hoàn thành trong thời gian 2 năm.

 

Những công trình điển hình được chúng tôi nhắc tới nằm trong dự án B, đến nay đều quá thời hạn quy định gần 2 năm. Sự chậm trễ này không chỉ ảnh hưởng lớn đến quy hoạch mạng lưới giao thông thủy lợi phát triển nông thôn, mà còn vô cùng nguy hiểm nếu "ông trời" bất ngờ... “thưởng” cho những cơn lũ lớn.

Nguyên nhân nào khiến các công trình bị ngưng trệ?

Đem những bức xúc này tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi được ông Nguyễn Vinh Quang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Cục Quản lý xây dựng công trình trả lời: Các công trình thủy lợi trọng điểm đã quá thời hạn thi công mà vẫn chưa hoàn thành đang là một trong những vấn đề được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt quan tâm.

Năm 2003, Chính phủ đã cấp thêm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 1 nghìn tỷ đồng để xử lý nợ khối lượng các công trình thủy lợi. Số tiền này đã giải quyết dứt điểm được nhiều công trình và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, trên toàn quốc vẫn còn 59 công trình thủy lợi, thuộc sự kiểm soát của Cục Quản lý xây dựng công trình đang thi công dở dang phải dừng lại.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi "Nguyên nhân nào khiến các công trình chậm trễ như bây giờ?", ông Quang giải thích, trước khi các nhà thầu tham dự đấu thầu đã được sự bảo lãnh của một ngân hàng X nào đó. Lúc trúng thầu, các nhà thầu hồ hởi bắt tay vào thi công với số tiền được ứng trước khoảng 3/4 tổng giá trị công trình. Khi công trình hoàn tất, nhà thầu sẽ được nhận nốt số tiền còn lại. "Vậy tại sao các công trình vẫn cứ bị trì trệ, gây thiệt hại kinh tế Nhà nước?".

Ông Quang cho hay, ấy là bởi nhà thầu không chỉ làm có một gói thầu mà họ còn làm nhiều công trình khác. Trong quá trình thi công, do tình trạng nhà thầu bị đối tác nợ nên thâm hụt vốn. Từ đó, ngân hàng không cho vay nữa dẫn đến việc nhà thầu không có tiền để mua nhiên liệu cho máy móc hoạt động, mua vật tư, trả lương công nhân... nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Cũng theo ông Quang thì 59 công trình thủy lợi trọng điểm đang bị nhà thầu "bỏ quên" hiện còn thiếu khoảng 800 tỷ đồng. Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình này. Trước thực trạng ấy, một trong những giải pháp được Bộ đưa ra là yêu cầu các đơn vị hữu quan chống đầu tư dàn trải, tập trung vốn cho các công trình đang trong giai đoạn hoàn thành, tranh thủ nguồn vốn giúp đỡ của ODA...

Tuy nhiên, ở vào thời điểm khó khăn này, nhà thầu nào không thể lo tiếp được năng lực tài chính thì sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tục triển khai thi công, dù rằng cơ bản các hạng mục đều hoàn thành được hơn 70%.

Kế hoạch là như vậy, nhưng căn cứ vào tình hình tài chính thực tế trong thời gian qua của các nhà thầu, thì biết đến bao giờ các công trình thủy lợi này mới được hoàn tất (?!). Và như vậy, dẫu Nhà nước đã bỏ ra số tiền rất lớn để phục vụ nhân dân vẫn chưa thể phát huy tác dụng

Nguyễn Hưng
.
.
.