Pháp luật không cho phép hoạt động thám tử tư

Thứ Bảy, 05/07/2014, 14:55
Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì “đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra” là lĩnh vực cấm đầu tư do gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng. Do đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng không được phép thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra tại Việt Nam.

LTS: Trong những năm gần đây, các công ty thám tử tại Việt Nam liên tục mọc lên “như nấm sau mưa”. Một vấn đề đặt ra là  những hành vi và hậu quả của hoạt động thám tử tư khiến cho nhiều người lo lắng (tan vỡ gia đình, xâm phạm bí mật đời tư,...). Bởi vậy, thời gian qua, có rất nhiều đơn thư của bạn đọc gửi đến Tòa soạn đề nghị giải đáp những vướng mắc pháp lý liên quan đến hoạt động của các công ty này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư, Thạc sỹ Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) để làm rõ hơn về vấn đề này.

PV: Xin luật sư cho biết việc thành lập và hoạt động của các công ty thám tử hiện nay được pháp luật quy định như thế nào?

LS, Ths Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì “Dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là dịch vụ cấm kinh doanh. Tại điểm k khoản 1 Điều 7 Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp cũng quy định “kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là ngành, nghề bị cấm kinh doanh. Ngay cả các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ (thành lập theo Nghị định số 52/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ) cũng bị cấm “Tiến hành các hoạt động vũ trang, hoạt động điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức”. Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì “đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra” là lĩnh vực cấm đầu tư do gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng. Do đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng không được phép thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra tại Việt Nam.

PV: Các thám tử tư thường tiến hành các hoạt động thu thập thông tin cá nhân theo yêu cầu của khách hàng. Vậy những hoạt động này có vi phạm pháp luật không? Người bị thu thập thông tin cá nhân có thể làm gì để bảo vệ mình?

LS, Ths Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013 và Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS) thì thông tin riêng tư, bí mật của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập thông tin của cá nhân phải được người đó đồng ý (hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý), trừ trường hợp việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, hoạt động bí mật thu thập thông tin cá nhân của các thám tử tư là trái với quy định của pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền bí mật đời tư của cá nhân.

Nếu người bị thu thập thông tin đời tư cá nhân có đủ chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm của thám tử tư và thiệt hại đã xảy ra thì có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 604 BLDS. Nếu người bị thu thập thông tin đời tư cá nhân có đủ chứng cứ để chứng minh thám tử tư có hành vi xâm phạm chỗ ở, xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của mình thì có thể tố cáo hành vi của thám tử tư đến cơ quan Công an có thẩm quyền để được giải quyết.

PV: Pháp luật không cho phép thành lập các công ty thám tử tư nhưng trên thực tế, có rất nhiều công ty thám tử tư đã thành lập và vẫn đang hoạt động. Vậy việc xử phạt các công ty này được pháp luật quy định như thế nào, thưa luật sư?

LS, Ths Phạm Thanh Bình: Như đã nêu ở trên, việc thành lập và hoạt động của các công ty thám tử tại Việt Nam hiện nay là trái với quy định của pháp luật và không được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên trên thực tế, xuất phát từ nhu cầu của đời sống xã hội, các công ty thám tử tư vẫn mọc lên khắp nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và cũng chưa thấy cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào chính thức lên tiếng về sự tồn tại không hợp pháp của các công ty này. Cũng chính việc pháp luật không theo kịp thực tế cuộc sống và công tác “hậu kiểm” bị buông lỏng nên vô hình trung đã để cho một hoạt động dịch vụ nhạy cảm tồn tại trên thực tế mà không được pháp luật công nhận, dẫn đến phát sinh rất nhiều điều bất cập. Đó không chỉ là việc Nhà nước không quản lý và giám sát được hoạt động của các công ty này, vốn tiềm ẩn các nguy cơ xâm phạm bí mật đời tư được pháp luật bảo vệ mà còn đang làm cho Nhà nước bị thất thu một khoản thuế, phí không nhỏ. Còn người dân – những người sử dụng dịch vụ thám tử - cũng đang phải chấp nhận bỏ tiền mua dịch vụ “chui”, khó có thể “kiện” ai khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm.

Trên thực tế thì “Kinh doanh dịch vụ cấm” bị coi là hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 1 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cũng theo quy định tại Điều 9 Nghị định 185 này thì hành vi kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi này còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, tùy từng trường hợp, người đứng đầu các công ty thám tử tư này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội kinh doanh trái phép (theo Điều 159 Bộ luật Hình sự - BLHS); các thám tử tư có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng quy định trong BLHS, ví dụ: tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 125 BLHS). Nếu hành vi của thám tử tư gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của BLDS.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Hồ Nhàn (thực hiện)
.
.
.