Nóng chuyện giá cả dịch vụ đầu năm - hai hình ảnh tương phản

Thứ Tư, 25/02/2015, 09:10
Kinh doanh quan trọng nhất là chữ tín. Chuyện về việc thu đúng giá, tôn trọng du khách đáng nhẽ ra phải là chuyện hết sức hiển nhiên và bình thường. Nếu không nói đó là nghệ thuật bán hàng, nghệ thuật kinh doanh để tạo tiếng thơm, thu hút khách. Thế nhưng câu chuyện này lại là sự bức xúc ở nhiều địa danh mỗi khi mùa lễ hội đến.
Vẫn giống như mọi năm, sau kỳ nghỉ Tết cũng là thời điểm diễn ra hàng loạt các lễ hội lớn nhỏ khắp các nơi, trong đó chủ yếu là các tỉnh phía Bắc. Một vấn nạn nóng, bức xúc và dai dẳng suốt nhiều năm qua lại tiếp tục tái diễn và trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện thông tin, đại chúng. Có những dịch vụ chặt chém trở thành những tiếng xấu gắn liền với những điểm lễ hội nhất định. Từ trông giữ xe chặt chém, sắp lễ giá cao, dịch vụ đổi tiền lẻ rồi nạn cò mồi chèo kéo khách…

Chẳng nói đâu xa, ngay tại Hà Nội những ngày đầu năm mới ở các điểm tham quan, giá trông giữ phương tiện ôtô, xe máy lên tới 20-30 ngàn đồng/xe máy; 50-70 ngàn đồng/ôtô. Trước ngày khai hội chùa Hương, lực lượng Công an TP Hà Nội cũng đã bắt giữ được cả chục đối tượng cò mồi đóng giả xe ôm chèo kéo khách…

Hỏi rằng những vấn nạn đó cơ quan quản lý, chính quyền địa phương biết không? Chắc chắn là biết. Thế nhưng vì sao năm nào cũng nói nhưng không dẹp được thì có hàng trăm ngàn lý do từ người bán hàng đến cấp quản lý. Dễ nói nhất là người bán thì nại lý do dịch vụ thuê địa điểm cao nên phải “mài dao cả năm cứa cổ vài tháng”, cơ quan quản lý chính quyền địa phương thì phân bua lực lượng thanh, kiểm tra mỏng không quán xuyến xử lý hết được…

Cũng là điểm tham quan du lịch, tuy nhiên ở một số địa danh tại miền Trung thì câu chuyện này khác hẳn. Sáng mùng 2 Tết, khi có mặt tại chùa Linh Ứng nằm trên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) chúng tôi bắt gặp cả ngàn du khách ngoại quốc, khách thập phương đa phần là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đến đây tham quan. Ôtô con, ôtô du lịch cả trăm chiếc nhưng tuyệt nhiên không phải trả một đồng phí nào.

Tại Chùa Quán Thế Âm Thạch Ngọc Liên Hoa Đài – một ngôi chùa lớn ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng hàng quán  được niêm yết giá công khai ngày Tết chẳng khác ngày thường với ly café đen 8.000 đồng, ly café sữa 9.000 đồng, nước giải khát cao nhất chỉ 12.000 đồng/lon... Còn tại Phố cổ Hội An (Quảng Nam) ngày mùng 3 Tết khi chúng tôi có mặt tại đây, chứng kiến có hàng ngàn du khách quốc tế và trong nước đến du xuân.

Niêm yết giá công khai tại một cửa hàng ở Đà Nẵng.

Đủ các loại hàng quán, dịch vụ được mở ra phục vụ du khách nhưng đi bất cứ điểm di tích nào, ngôi chùa nào chúng tôi cũng không  thấy cảnh người bán hàng chèo kéo khách.

Nhiều nhà hàng ăn uống còn niêm yết cụ thể giá ngay trước mặt tiền để du khách yên tâm. Khách vào chùa, vãn cảnh phố cổ mỏi chân thích ăn uống, mua sắm gì thì tự ghé cửa hàng. Giá cả dịch vụ rẻ và hợp lý, thái độ thân thiện, tôn trọng khách đã khiến cho đô thị cổ này ngày càng thu hút được du khách trong và ngoài nước. Và rất nhiều du khách quốc tế chúng tôi gặp đã đến đây vài lần và nói rằng họ sẽ trở lại Hội An.

Kinh doanh quan trọng nhất là chữ tín. Chuyện về việc thu đúng giá, tôn trọng du khách đáng nhẽ ra phải là chuyện hết sức hiển nhiên và bình thường. Nếu không nói đó là nghệ thuật bán hàng, nghệ thuật kinh doanh để tạo tiếng thơm, thu hút khách. Thế nhưng câu chuyện này lại là sự bức xúc ở nhiều địa danh mỗi khi mùa lễ hội đến.

Đây rõ ràng là vấn nạn cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý để dẹp bỏ một cách quyết liệt cùng với đó là việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người kinh doanh. Bởi rõ ràng tình trạng chặt chém không chỉ làm xấu đi hình ảnh cho chính những địa danh đó mà về lâu dài sẽ khiến cho du khách “một đi không trở lại”.

Hà Thành
.
.
.