Niềm tin của Keo Lôm về chương trình 'bò giống giúp người nghèo'

Thứ Tư, 24/06/2015, 14:24
Ông Vàng A Minh, một lãnh đạo kì cựu người Mông, Chủ tịch UBND xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên vui vẻ cho biết: Tôi đến chịu cái anh “Việt theo” (Viettel), đâu khó cũng có họ cả. Với chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” này, “nó” đã giúp dân Keo Lôm và người Điện Biên Đông “phủ sóng” vùng “lõm bò” cho dân. Chả mấy nữa, cán bộ lên đây sẽ thấy bò đi vàng đồi cho mà xem. Có bò, có tiền, có thóc, cái nghèo, cái đói chả mấy mà bị “đuổi đi” khỏi Keo Lôm!

Tôi lại có hành trình thứ hai trong đời tìm đến xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Đường từ Hà Nội lên Tây Bắc “núi vút trùng ngàn xa” dài gần 500km, rồi Điện Biên vào xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) quãng đường dài gần ba chục cây số. Nhưng để chinh phục 530km này, nhất là cung đường từ trung tâm huyện vào đến bản, tọa ở độ cao đến cả nghìn mét so với mực nước biển, khốn khó vô cùng. Người ta bảo, hơn 500km ấy, nếu so với nơi đồng bằng thì tốn công sức bằng đi cả 1.000km…

Xã Keo Lôm, với những tên thôn như Chóp Ply, Háng Lìa, Từ Xa, Huổi Múa, Mù Si Cơ… đã gieo vào cho người ta những ám ảnh về nỗi khốn khó. Ba năm trước, trở về sau chuyến đi phản ánh về cái nghèo và tệ nạn xã hội ở Keo Lôm, lòng tôi nặng trĩu khi nghĩ tới cuộc sống của đồng bào nơi đây. 

Đất Keo Lôm mênh mông nhưng nghèo và khô khát, dù có đến trên 139km² đấy nhưng thực tế diện tích gieo trồng không được là bao. Ngay như thôn Chóp Ply với 400 nhân khẩu, vốn được coi là đất đai mầu mỡ nhất xã, cũng chỉ có gần 70ha để canh tác lúa, ngô (trong đó chỉ có 5 ha trồng được lúa). Ngẫm mới thấy, từng ấy đất, từng ấy người, chả biết đến bao giờ mới hết nghèo, hết khổ.

Người Mông nơi đây, năm trồng một vụ ngô. Tháng 3 âm lịch qua đi, rét “cuốn mình” vào rừng già, mưa xuân xuống, vụ canh tác mới bắt đầu. Hốc đất được bới lên, đôi ba hạt ngô thảy xuống, phân không, thuốc phòng trừ sâu bệnh không; người dân nhờ cả vào… ông giời rồi thom thóp với no đói. Những năm thuận, khi ngô trổ cờ, không gió, không mưa thì mới được thu hoạch. Vào những năm trời không chiều lòng người, ngô ra bông bạc phếch, chỉ ít hạt ngô lép lưa thưa trong mỗi bắp, báo trước những ngày đói nhiều hơn no. 

Người dân Keo Lôm vui mừng được tặng bò.

Trong cái cữ hanh hao, hỏi dân, tôi được biết, ở đây, sức bật lớn nhất với điều kiện tự nhiên, để dân vươn lên, hợp nhất vẫn là việc đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc mà trong đó con bò là lý tưởng nhất. Thế nhưng, với dân nghèo trên đây, con bò trị giá hàng chục triệu trong mơ cũng khó mà có được. 

Lần trở lại này, tôi gặp lại Thào A Chơ, người ở bản Chóp Ply. Anh vui lắm, cứ nằng nặc rủ về nhà cho bằng được. Úp úp, mở mở, Chơ bảo: “Về tao cho mày xem cái này. Nhà tao bây giờ vui nhiều lắm đấy”. Tò mò với niềm vui của Chơ, tôi theo anh về nhà. Vẫn ngôi nhà tranh vách đất như lần trước, nhưng vợ chồng Chơ nay đã có được con bò như mong ước do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel trao tặng.

Trời cũng thương kẻ khó, con bò cái được tặng hôm nào nay đã leng keng tiếng lục lạc cùng một bê con bên cạnh. Chơ bảo: “Một hôm thấy cán bộ xã bảo, xã đã xét duyệt để tao được nhận bò. Mới đầu tao không tin lắm, thế mà được thật. Cuối năm nay, con bê lớn, con mẹ mà có “em bé” nữa, tao sẽ mang nó ra chợ”. Giơ bàn tay chai sần, Chơ dùng tiếng Mông tính: “I, O, Pê, Pờ Lau… con bò tao bán, sẽ mua được đến gần tấn thóc đấy!”.

Điện Biên Đông được thành lập từ năm 1996, gồm 10 xã vùng cao của huyện Điện Biên cũ. Sau khi hình thành, huyện Điện Biên Đông là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh. 90% dân số trên đây đơn thuần chỉ biết trông vào nông nghiệp để sinh sống. Nhưng do điều kiện tự nhiên, với quỹ đất hạn hẹp, không ưu ái cho sự phát triển nông nghiệp nên thu nhập của người dân rất thấp, do vậy dù có “xoay” đủ chiều nhưng hiện tại Điện Biên Đông vẫn còn tới 50% hộ nghèo, phủ hầu như gần khắp 14 xã của huyện.

Mấy năm trước, đến Điện Biên Đông, vào Keo Lôm rồi trở ra, gặp ông Bùi Văn Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, ông cũng trăn trở nhiều về hướng thoát nghèo cho dân. Ông bảo, ngoài nông nghiệp, sức bật nhanh nhất cho dân ở đây vẫn là phát triển chăn nuôi đại gia súc, trong đó con bò là có lợi thế nhất. Để phát huy chủ trương này, các cơ quan ban, ngành cũng đã triển khai cho dân vay vốn, mua bò để chăn nuôi. Nhưng do nguồn vốn có hạn, trình độ dân trí thấp, lại cần các thủ tục nên việc phát triển bò theo kinh tế hộ gia đình vẫn không đạt được như mong muốn.

Ông Vàng A Minh, một lãnh đạo kì cựu người Mông, Chủ tịch UBND xã Keo Lôm vui vẻ: Tôi đến chịu cái anh “Việt theo” (Viettel), đâu khó cũng có họ cả. Cái sóng để đồng bào nói chuyện với nhau, để lãnh đạo truyền thông tin đến cho dân, “nó” cũng lên đây trước. Giờ đây, chả hiểu sao, đến con bò dân thiếu “nó” cũng hiểu, “nó” cũng đem đến cho dân. Đúng là Bộ đội Cụ Hồ. Với chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” này, “nó” đã giúp dân Keo Lôm và người Điện Biên Đông “phủ sóng” vùng “lõm bò” cho dân. Chả mấy nữa, cán bộ lên đây sẽ thấy bò đi vàng đồi cho mà xem. Có bò, có tiền, có thóc, cái nghèo, cái đói chả mấy mà bị “đuổi đi” khỏi Keo Lôm!

Và 30 con bò trao tặng đợt đầu đã được mang về buộc ở chuồng của các hộ gia đình nghèo khó nhất trong xã. Và hy vọng câu nói, chả bao lâu nữa bò sẽ đi vàng đồi của ông Chủ tịch xã Keo Lôm Vàng A Minh sẽ nhanh chóng thành hiện thực, giúp dân xóa đi những nghèo khó và cô quạnh bao đời bủa vây người dân nơi đây.

Đơn Thương
.
.
.