Những nguy cơ rình rập ở bãi tắm tự phát Hồ Tây

Thứ Ba, 23/06/2015, 09:21
Những ngày qua, khi tiết trời nắng nóng, tại khu vực Hồ Tây – đoạn thuộc địa phận phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội), tình trạng nhiều người dân đến đây để bơi lội, coi khu vực này như là “bể bơi” thiên nhiên lại tái diễn, bất chấp những nguy cơ tai nạn luôn cận kề.

Trước tình trạng trên ngay từ những ngày cuối tháng 5 vừa qua, lực lượng chức năng đã mở đợt ra quân tuyên truyền, cắm chốt nhắc nhở người dân không nên lui tới đây để bơi lội. Vậy nhưng, khi vắng bóng lực lượng chức năng, “sức hút” của “bể bơi” thiên nhiên Hồ Tây lại xuất hiện. 

Buổi chiều từ 16h-18h là thời điểm xuất hiện hình ảnh khá đông người dân dựng xe trên vỉa hè, xuống ngâm mình, bơi lội dưới lòng hồ này. Mọi người đến đây từ các địa bàn lân cận và đều có chung suy nghĩ: “Xuống tắm cho mát người, cho giải tỏa cái nóng nực của mùa hè”.

17h15 ngày 20/6, có mặt tại khu vực này, chúng tôi thấy có đến 20-30 người dân đang bơi, lội dưới lòng hồ. Con số này chưa kể đến gần chục thanh niên đang dựng xe trên vỉa hè, cởi đồ, thao tác vận động trước khi xuống “bể bơi”. 

Anh Quang Hùng, 31 tuổi, nhà ở đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Hôm nay, dù nhiệt độ ngoài trời đã bớt nóng, song để thỏa mãn việc bơi hồ anh đã cùng nhóm bạn của mình ra đây để bơi”. Khi được hỏi vì sao lại rủ nhau ra đây bơi thay vì đến các điểm bể bơi trên địa bàn, anh Hùng cũng như nhiều người đều cho rằng: Bơi ở bể bơi thì phải mất phí còn bơi ở đây thì vừa không mất phí, lại vừa thoáng đãng, không gian rộng rãi, thoải mái hơn nhiều(?!). 

Bên cạnh đó, điều dễ nhận thấy ở “bể bơi” thiên nhiên Hồ Tây này trong thời gian qua đó chính là việc lòng hồ đang cạn nước, nhiều điểm tại khu vực này độ sâu chỉ khoảng 50-60cm. Do vậy, nhiều người chủ quan cho rằng, nước ở khu vực này không sâu lắm, không lo tai nạn đuối nước xảy ra nên thỏa sức tắm.

Dù đã có biển cảnh báo, nhưng tại khu vực Hồ Tây - đoạn thuộc phường Quảng An vẫn có đông người tới bơi lội.

Mặc dù chính quyền địa phương đã cho lắp biển báo “Khu vực nguy hiểm, cấm tắm - bơi lội” ở ngay khu vực bậc thang lên xuống hồ, song nhiều người vẫn tỏ ra rất chủ quan. 

Ghi nhận ở đây hơn 20 phút, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh người già, thanh niên, còn có nhiều em nhỏ được các gia đình đưa ra đây để… tập bơi. Bên cạnh những trường hợp trẻ được trang bị áo phao, phao cứu sinh cũng còn khá nhiều trẻ không có áo phao, được bậc phụ huynh đưa ra xa khu vực bờ kè. 

Nhìn những hình ảnh này, chúng tôi không khỏi lo lắng, bởi theo người dân sinh sống trên địa bàn, càng ra xa, mực nước sẽ càng sâu chứ không nông như mọi người nghĩ, có điểm còn sâu đến trên 2m. Do vậy, nếu người chưa biết bơi hoặc bơi không tốt khi ra khu vực này, hậu quả đau lòng xảy ra là khó tránh khỏi nhất là đối với trẻ nhỏ. 

Đấy còn chưa kể đến việc dưới lòng hồ còn xuất hiện các “dị vật” như: mảnh chai, thủy tinh, rác thải… thậm chí một số người còn đưa động vật nuôi - chó ra tắm… khiến nguy cơ gây ra sây sát, bệnh ngoài da đối với người tắm luôn tiềm ẩn.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề trên, đại diện Công an phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng cho biết, nhằm ngăn ngừa tình trạng người dân tắm hồ, thời gian qua, tại các điểm lên xuống lòng hồ trên địa bàn, chính quyền địa phương đã cho lắp đặt hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, nghiêm cấm người dân tắm. Bên cạnh đó, Công an phường đã thành lập các tổ công tác, sử dụng loa phóng thanh di động tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo người dân. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi lực lượng chức năng vắng bóng, nhiều người dân thiếu ý thức lại phớt lờ biển báo cấm, thản nhiên xuống hồ bơi lội. Trước thực trạng trên, thiết nghĩ để tránh tai nạn đuối nước có thể xảy ra, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhắc nhở, bản thân mỗi người dân cũng cần phải có ý thức tự bảo vệ mình.

Phạm Anh
.
.
.