Những mảnh trăng khuyết sẽ lại tròn?

Thứ Hai, 28/03/2005, 09:58
Thông thường, trẻ em được sinh ra trong sự trông đợi, hạnh phúc của cha mẹ. Nhưng với những đứa trẻ mới lọt lòng đã bị chính người mẹ của mình bỏ lại bệnh viện thì khác. Những công dân tí hon có bước ngoặt ngay từ khi mới chào đời.

Nếu được những người tốt bụng, có điều kiện kinh tế nhận nuôi thì tốt, còn ngược lại... Những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi nhưng mang trong mình bệnh lý thì hy vọng được một cặp vợ chồng hiếm muộn nhận làm con nuôi là rất ít.

Chúng tôi được biết, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có một bộ phận cán bộ, bác sỹ ngoài việc thực hiện công tác khám chữa bệnh còn kiêm luôn việc xác minh nhân thân, gia đình của những người xin con nuôi cũng như những người bỏ con lại. Hơn ai hết, họ hiểu rằng nếu cháu bé được giao cho những người có nhu cầu xin trẻ về làm con nuôi thật sự, có tấm lòng yêu trẻ, có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng thì số phận cháu bé sẽ khác.

Khi chúng tôi đến Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2, nơi nuôi dưỡng trẻ em có HIV bị bỏ rơi thì được biết có không ít cháu được chuyển từ các bệnh viện lên. Những cái tên đôi khi cũng gắn với nơi người mẹ vứt bỏ con như trường hợp cháu Nhật (cháu bị bỏ ở Bệnh viện Việt - Nhật). Những cán bộ của Trung tâm vẫn không sao quên được khi tiếp nhận hai cháu bé có HIV lúc các cháu mới lọt lòng.

Các cháu đỏ hỏn, ốm yếu và đơn côi. Chính những người phụ nữ tình nguyện làm mẹ nơi đây đã truyền hơi ấm của tình mẫu tử cho các cháu. Thực trạng trẻ sơ sinh có bệnh lý bị bỏ rơi không hiếm, nó xảy ra ở bất cứ bệnh viện nào, bởi theo tìm hiểu của chúng tôi thì những đứa trẻ đang được nuôi ở đây phần lớn được đưa lên từ các bệnh viện, trung tâm y tế.

Bé Ngô, đó là cái tên mọi người âu yếm gọi cậu bé 3 tuổi tên Hồng đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi lần xét nghiệm mới đây có kết quả âm tính với HIV. Nhìn cậu bé trắng trẻo, hồng hào có đôi mắt đen láy, không ai nghĩ ngay từ lúc mới sinh cậu bị bỏ rơi và dương tính với HIV. Ngô vẫn lớn lên hàng ngày và những lần xét nghiệm theo định kỳ đã cho biết bé hoàn toàn miễn dịch với HIV. Nhưng dù có là đứa bé xinh đẹp, khỏe mạnh thì ngay từ khi lọt lòng, Ngô đã bị mẹ vứt bỏ.

Âm tính với HIV đã làm thay đổi số phận của em nhưng ai dám xin Ngô làm con nuôi khi biết trong cơ thể em đã từng mang virus HIV. Một cán bộ của Trung tâm cho chúng tôi biết, nếu để Ngô ở đây, cháu sẽ không có cơ hội được làm con nuôi. Sắp tới Ngô sẽ được chuyển đến một trung tâm khác, nơi này sẽ tạo điều kiện để cháu có được cha mẹ.

Chúng tôi đã thật sự xúc động khi được biết một cán bộ ngành Lao động Thương binh và Xã hội, một người mà suốt cả cuộc đời gắn bó với trẻ lang thang, trẻ bị bỏ rơi, đã nhận một cháu bé nơi đây làm con nuôi. Anh là Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội số 4, thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội.

Cháu bé bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng năm nào nay đã trở thành một nữ sinh trung học. Anh Thắng tâm sự: "Vợ tôi làm giáo viên, chúng tôi có hai con trai nhưng tôi thương con bé quá nên bàn với vợ xin về. Không ngờ quyết định đó đã đem đến cho chúng tôi niềm hạnh phúc lớn. Cháu là cầu nối giữa cha mẹ, anh em trong gia đình tôi đấy". Vâng! Cái tình quyến luyến của một cán bộ, người đã chứng kiến từ lúc Hồng Thắm (anh đặt tên cháu giống tên vợ mình) còn đỏ hỏn được đưa vào Trung tâm cho đến lúc con bé lên 3 tuổi nhưng vẫn không thấy người mẹ đến nhận, đã khiến anh có quyết định như vậy.

Anh không thể nhận nuôi tất cả những đứa trẻ bị bỏ rơi nơi đây làm con nuôi nhưng nỗ lực để hàng trăm đứa trẻ được nuôi dưỡng, học tập ngày một tốt hơn an ủi anh phần nào. Tôi cũng được biết, tuy không làm cha nuôi nhưng anh đã lấy họ mình đặt cho những đứa trẻ không tên tuổi, nguồn gốc, để chúng cũng có tên tuổi đầy đủ như mọi người.

Một tuổi thơ hồn nhiên, một tâm hồn tươi đẹp, một tương lai tốt có phải là thứ luôn sẵn sàng với mọi đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi? Không thể. Nhưng với sự đóng góp của mọi người, dù chỉ là ít ỏi sẽ làm vơi đi nỗi bất hạnh của đứa trẻ lẽ ra phải được hưởng cái quyền của mọi trẻ em khi được sinh ra

Cao Hồng - Hồng Hạnh
.
.
.