Những dấu hiệu “khuất tất” cần làm rõ tai tại BV Đa khoa Bưu điện TP HCM

Thứ Ba, 10/09/2013, 15:13
Từ những nguồn tin tố giác tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Bưu điện (cơ sở 1 - lô 89 Thành Thái, phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh), cho thấy có nhiều dấu hiệu bất thường trong công tác thực hiện khám, chẩn đoán lâm sàng, xét nghiệm, đặc biệt một vấn đề mà Ban Thanh tra tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đang làm rõ là có hay không việc lập hồ sơ bệnh án “ảo” nhằm hưởng tiền khám sức khỏe định kỳ tại BV này.

Bỏ sót bệnh vì thiếu bác sĩ chuyên môn

Được biết, BV Đa khoa Bưu điện tại phía Nam có 3 cơ sở nằm tại các khu vực quận 10, quận 2 và quận 3 TP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho CBCNV trong Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và ngoài ngành ở nhiều đơn vị phía Nam. Trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Nguồn tin bức xúc được phản ánh gửi tới Báo CAND đầu tiên từ nhiều bác sĩ tại BV, về những biểu hiện “lạ” tại Khoa Chẩn đoán xét nghiệm. “Lạ” vì một BV lớn của ngành, chịu trách nhiệm lo sức khỏe cho hàng chục ngàn CBCNV ngành Bưu chính Viễn thông nhưng nhiều năm qua tại khoa này không có bác sĩ đọc kết quả “giải phẫu bệnh” mà chỉ có một kỹ thuật viên (KTV) lo đọc, chỉ định cho bệnh nhân. Chức năng của KTV tại phòng XN chỉ có nhiệm vụ nhận bệnh phẩm, ghi rõ ngày giờ nhận bệnh phẩm, trả kết quả nhưng KTV ở BV Đa khoa Bưu điện TP Hồ Chí Minh kiêm luôn hết nhiệm vụ quan trọng của người bác sĩ là đưa ra cả kết quả chẩn đoán bệnh.

Hậu quả là vào cuối tháng 8 vừa qua, bệnh nhân N.T.T. (ngụ Bình Thuận) đã khóc hết nước mắt khi nhận được kết quả xét nghiệm tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung (CTC) tại BV Ung Bướu TP Hồ Chí Minh đã có kết quả ung thư giai đoạn muộn, buộc phải trị xạ, sau đó mới có thể giải phẫu do đã vào giai đoạn 2B. Vụ việc của chị N.T.T. khiến hàng ngàn CBCNV nữ trong hệ thống Bưu điện từng được tầm soát xét nghiệm bệnh này đều lo lắng, nhanh chóng đi khám lại tại những nơi chuyên khoa. Còn theo chị N.T.T. cho biết, chị thường xuyên thực hiện xét nghiệm PAPSMEAR (tầm soát ung thư sớm CTC) tại BV này và sau mỗi năm 1 lần) đều được KTV Bùi Lương Hiền “đọc” kết quả: “bình thường”.

Tìm hiểu thêm từ một số BS trong BV, chúng tôi được biết, mỗi năm, tại BV này có khoảng trên 5.000 BN trong và ngoài ngành thăm khám và làm xét nghiệm PAPSMEAR nhằm phát hiện sớm các tế bào ung thư. Tuy nhiên, thay vì phải có bác sĩ giải phẫu bệnh để đọc kết quả bệnh án, có chỉ định cho bệnh nhân thì nhiều năm nay do “tiết kiệm chi phí” mà BV không có BS đọc kết quả giải phẫu bệnh nhưng cũng không thuê BS chuyên khoa cho vấn đề này mà phân công KTV đọc kết quả thay bác sĩ.

Mỗi năm hàng ngàn người làm xét nghiệm này tại BV Bưu điện thành phố có kết quả giống nhau.

Trong tài liệu mà PV Báo CAND có được từ BV này, cho thấy trong hàng ngàn BN thực hiện khám tầm soát bệnh ung thư CTC 3 năm nay, đều chỉ có kết quả giống hệt nhau: “bình thường”, hay “viêm”. Mối lo lắng tiếp tục “lan” qua hệ thống CBNV nữ tại Văn phòng Thanh tra Chính phủ vì họ cũng là những bệnh nhân được chăm sóc về tầm soát phát hiện các bệnh sau mỗi đợt khám định kỳ hằng năm. Với kỹ thuật xét nghiệm PAPSMEAR họ cũng được thông báo kết quả “bình thường”.

Được biết, phản ánh với Báo CAND, những bác sĩ có trách nhiệm cho biết, lo lắng cho bệnh nhân có bệnh mà không được phát hiện, họ đã phản ánh lên Ban GĐBV vấn đề này song không những BV không khắc phục mà bản thân những người có ý kiến còn đang bị ghét bỏ. Và gần đây có lẽ do sau vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm tại BV Hoài Đức, nên có vài trường hợp bệnh nhân được trả lời “bất thường”. Tuy nhiên, theo các BS cho biết, họ cảm thấy vô cùng đau lòng vì dù bất thường cũng vẫn là KTV này ký. Và “Với vài ba trăm triệu/năm không lớn song tính mạng nhân viên trong và ngoài ngành mới lớn vì tin tưởng vào xét nghiệm hằng năm nên không biết mình có bệnh”.

Sai phạm có hệ thống?

Vụ việc bức xúc trên tại BV chưa kịp được giải thích rõ ràng, thì vào ngày 5/9 vừa qua, nguồn tin từ BV này lại phản ánh ở một số khoa khác tại BV cũng có những biểu hiện “bất thường” trong công tác tiếp nhận, chi trả tiền khám định kỳ cho bệnh nhân từ nguồn kinh phí Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN. Bất thường là ở chỗ một BV ngành không gặp vấn đề quá tải như nhiều BV tuyến cuối như ở TP Hồ Chí Minh, BV chỉ có khoảng 350 giường bệnh thực kê nhưng có ngày có tới 556 BN “nội trú” mà giường vẫn trống không?!

Đơn cử như tại một khoa chuyên chăm sóc BN lớn tuổi chỉ có 2 BS; với chỉ tiêu được giao là 55 giường bệnh (PV), trong khoa thực kê chỉ có 18 giường nhưng số liệu nhiều ngày từ nguồn tố giác cho biết, lượng BN của khoa giao động từ 150-250 BN/ngày, có ngày cao điểm là 393 bệnh. Như vậy, mỗi ngày có từ 10 đến gần 20 bệnh nhân nằm trên 1 giường? Với 2 bác sĩ khám và cho thuốc 393 bệnh nhân một ngày, một “thành tích” phi thường mà khó có BV lớn nào tại TP Hồ Chí Minh hay trên cả nước đạt được! Ghi nhận thực tế tình trạng quá tải nhất tại BV Ung Bướu TP Hồ Chí Minh mới chỉ có 3 BN/nằm trên 1 giường bệnh đã khiến nhà quản lý của ngành “đau đầu” nghĩ cách khắc phục.

Chưa hết, tại một khoa khác thuộc cơ sở 1 của BV này, quanh năm cứ hết giờ là khóa cửa, dán niêm phong nhưng “lạ” một điều là hằng ngày vẫn có 10-15 bệnh BN nằm điều trị nội trú, và toàn bộ số bệnh nhân này sử dụng BHYT. Hay ở một khoa nữa có số giường thực kê là 0 (không), hằng ngày vẫn có từ 20-60 BN điều trị nội trú.

Trước đó, những “nghi vấn” về hoạt động KCB tại một số khoa của BV không rõ ràng, tháng 4/2012, Trung tâm Thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) kiểm tra, còn phát hiện BV này đưa bệnh nhân ngoại trú vào làm hồ sơ bệnh án nội trú, nên đã “xuất toán” trên 1 tỷ đồng (không đồng ý chi trả theo báo cáo đưa lên). Nhưng sau đó khi được các khoa giải trình, BHXH Việt Nam nhận được một trong những giải trình “thật thà” đến hài hước: “Do chỉ tiêu bệnh nhân trong ngành mà BV giao cho khoa quá cao so với thực tế nên khoa đã học tập và làm theo phong trào, chuyển một số ít bệnh nhân đáng nhẽ có thể điều trị ngoại trú sang điều trị nội trú để nâng cao số giường điều trị trong ngành… Chúng tôi thiết nghĩ BV đều biết tình hình thực tế bệnh nhân tại bệnh viện”.

Việc làm theo “phong trào” của một số khoa BV Bưu điện trên phải chăng đã đồng nghĩa với việc sai phạm có hệ thống và như các khoa đã “thật thà” báo cáo “BV đều biết”. Có thể thấy rõ những sai phạm trên không còn là đơn thuần, xuất phát từ việc làm ẩu từ 1 hay vài người mà đã mang tính “lợi ích nhóm”. Ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi bệnh nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Còn trong việc dùng KTV xét nghiệm cho thấy tính an toàn người bệnh đã không được coi trọng. Nguồn tin từ Phòng Giám định BHXH Việt Nam cho biết, toàn bộ hồ sơ liên quan tới những sai phạm tại BV Đa khoa Bưu điện TP Hồ Chí Minh đã được chuyển qua cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP Hồ Chí Minh để điều tra và làm rõ.

Vụ việc nghiêm trọng này sẽ được Báo CAND tiếp tục cập nhật

Nhóm PV
.
.
.