Từ vụ người bị hổ nuôi nhốt tấn công trọng thương:

Nhiều “lỗ hổng” đáng lo ngại

Thứ Bảy, 08/06/2019, 08:57
Vì sao người đàn ông này lại trở thành đối tượng bị hổ trong chuồng tấn công dễ dàng như thế? Đã có quy chuẩn chuồng nuôi chưa hay vẫn tình trạng “mạnh ai nấy làm”? 

Tại nơi nuôi động vật hoang dã có đông khách đến tham quan như Thảo cầm viên Sài Gòn chẳng hạn, công tác đảm bảo an toàn đang ở mức nào? Liệu có xảy ra sự cố thú dữ sổng chuồng? 

Hàng loạt câu hỏi đặt ra đã khiến dư luận cảm thấy bất an sau câu chuyện ông Võ Thành Quới (49 tuổi, quê An Giang) bị một cá thể hổ tấn công trọng thương trong khu du lịch (KDL) mà ông từng làm nhân viên chiều 4-6 vừa qua.

Dù bị hổ tấn công làm mất đứt 1 cánh tay ở vị trí sát nách và cánh tay còn lại bị đứt rời từ khuỷu tay tới bàn tay, nhưng nhiều người cho rằng ông Quới vẫn còn may mắn hơn 2 nạn nhân bị hổ tấn công trước đó cùng thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. 

Cụ thể, trong 2 vụ hổ tấn công người xảy ra ngày 10-9-2009 và 23-9-2016, hai nạn nhân đều tử vong. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết cả tỉnh hiện có 3 cơ sở được cấp phép nuôi hổ, trong đó KDL Đại Nam đang nuôi 31 cá thể hổ, Công ty Thái Bình Dương nuôi 14 cá thể và KDL Thanh Cảnh (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An), đang nuôi 5 cá thể. Cho tới khi vụ việc xảy ra chiều 4-6, coi như cả 3 cơ sở đều có xảy ra vụ việc hổ tấn công người.

Hiện vẫn chưa có một quy chuẩn nào cho chuồng trại nuôi hổ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương Trần Văn Nguyên, ngay sau sự việc xảy ra, Chi cục đã phân công cán bộ phối hợp cùng lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường để tìm hiểu, xử lý theo quy định. 

Nguyên nhân mà ông Quới bị hổ tấn công dẫn đến thương tích nghiêm trọng đã rõ. Đó là lúc đứng trước cửa chuồng hổ này, ông Quới đã chọc hổ. Khi bị hổ lôi tay cắn, nạn nhân lấy tay còn lại đỡ thì tiếp tục bị hổ cắn cả hai tay. 

Nghe tiếng kêu la thất thanh, một số nhân viên trong KDL chạy tới thì hậu quả đã xảy ra. Nạn nhân từng là nhân viên của KDL này, từng chăm sóc (vệ sinh và cho ăn) chú hổ vừa tấn công mình. Có điều, các nhân viên của KDL này không hiểu sao ông Quới lại xuất hiện tại chuồng hổ để rồi sự việc đáng tiếc xảy ra.

Sau khi vụ việc xảy ra, điều khiến ai nghe cũng cảm thấy giật mình là hiện vẫn chưa có một quy chuẩn nào cho chuồng trại nuôi hổ (kể cả quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng để vừa bảo đảm tốt vật nuôi, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người nuôi, người tham quan). 

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương Trần Văn Nguyên cho rằng đây là một trong những bất cập lớn trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này dù cơ quan Kiểm lâm đã nhiều lần lên tiếng.

“Theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tiêu chuẩn chuồng trại hiện nay do kiểm lâm các tỉnh xây dựng, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Do chưa có quy chuẩn điều kiện nuôi dưỡng cụ thể, thống nhất cả nước nên các cơ sở được cấp phép nuôi hổ tại nhiều địa phương vẫn làm theo kinh nghiệm là chính, thiết kế chuồng trại theo quy chuẩn “phù hợp với từng loại động vật nuôi”, rất chung chung. Chính sự chung chung này làm cho công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp khó khăn. Nhiều khi kiểm tra cơ sở ghi nhận biên bản rồi nhưng mình cũng không thể căn cứ vào quy chuẩn cụ thể nào để kết luận chủ cơ sở làm đúng hay không đúng để xử lý”, một cán bộ kiểm lâm cho biết.

Cũng chính do chưa có quy chuẩn cụ thể nên sau vụ việc xảy ra tại KDL Thanh Cảnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cũng chỉ yêu cầu bà Huỳnh Thị Mỹ (chủ cơ sở) khẩn trương tăng cường gia cố 3 ô chuồng hiện nuôi nhốt hổ để bảo đảm an toàn trong thời gian sửa chữa 3 ô chuồng còn lại. Sửa chữa xong, di chuyển các cá thể hổ sang xong, tiếp tục tiến hành sửa chữa các ô chuồng vừa dời hổ ra. 

Đối với cửa đi vào khu vực chuồng nuôi hổ (giáp với đường đê bao), cơ quan chức năng đề nghị khóa hẳn cửa để tránh người lạ đi vào khu vực nuôi hổ; tuyệt đối không cho người không có phận sự, trẻ em vào khu vực chuồng, trại nuôi nhốt hổ; tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho công nhân đang sửa chữa chuồng, nhân viên chăm sóc và cư dân quanh khu vực...

Một điều khiến nhiều người không khỏi lo ngại khi được biết các cửa của dãy chuồng hổ nơi ông Quới vừa bị nạn không hề được rào thêm lớp lưới phụ với mắt lưới nhỏ như cách thường được nhiều chủ cơ sở nuôi hổ thiết kế. Bởi nếu có lớp lưới này, hổ không thể dùng chân để thò ra tấn công người bên ngoài dù người đó đứng sát cửa chuồng. 

Một sự mong manh khác – theo ghi nhận của ngành chức năng, đó là cả dãy 6 ô chuồng (có 3 ô đang nhốt hổ) được xây bằng gạch 10cm, cửa chuồng làm bằng sắt tròn đặc, đường kính 14mm, khoảng cách giữa các thanh sắt liền kề nhau rộng 8cm, chiều cao chuồng khoảng 2m...

Về lo ngại của không ít độc giả về sự an toàn tại vườn thú mỗi ngày có đến hàng ngàn khách tham quan như Thảo cầm viên Sài Gòn, ngày 7-6, PV Báo CAND tìm đến Thảo cầm viên Sài Gòn - nơi đang nuôi nhốt khá nhiều loài thú dữ, thì được lãnh đạo nơi đây cho biết, kết thúc thời gian phục vụ nhu cầu tham quan trong ngày, về cơ bản, các loài thú dữ đều được đưa vào chuồng ép. 

“Chuồng ép là chuồng đặt bên trong khuôn viên chuồng của loài thú dữ, được xây dựng kiên cố đề phòng cả tình huống thiên tai đột ngột xảy ra. Nếu chuồng bên ngoài chẳng may bị sập vì bất cứ lý do gì đó, chuồng ép sẽ ngăn không cho thú dữ ra ngoài. Chúng tôi cũng có các phương án xử lý tình huống giả định để đảm bảo an toàn nhất”, ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo cầm viên, chia sẻ.

Đưa chúng tôi đến khảo sát một chuồng hổ, xem nhân viên cho hổ ăn, ông Trực cho biết, trước đây, khi 2 lớp rào bên ngoài làm bằng lưới sắt, khoảng cách giữa nơi khách đứng tới vị trí hổ có thể, gần 2 met. Giờ khi đã có hệ thống rào bằng kính cường lực thay thế 1 lớp rào, khoảng cách giữa người và hổ được kéo giảm, chỉ còn khoảng 0,8m, để khách tham quan nhìn ngắm thuận lợi nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn. 

Theo tiêu chí của Hiệp hội Vườn thú và hồ cá thế giới (WAZA) mà Thảo cầm viên là thành viên duy nhất của Việt Nam, thú hoang dã phải được thả ra ngoài khuôn viên của chuồng 24/24, không được mải “cầm tù” chúng trong khu vực chật hẹp, hạn chế của chuồng ép. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể được thực hiện tại khu vực nuôi xung quanh không có cây cổ thụ; được đảm bảo an toàn tuyệt đối. 

Còn đối với đặc thù như Thảo cầm viên, hầu hết chuồng thú được bố trí dưới tán cây cổ thụ nên việc làm theo tiêu chí của WAZA tùy thuộc vào đặc thù thời tiết và sự nguy hiểm của loài động vật. 

Hiện Thảo cầm viên đã áp dụng cho ra ngoài 24/24 đối với gấu. Còn các thú dữ khác, trong đó có hổ, vẫn linh hoạt tùy lúc. Giả sử bất thình lình xảy ra tình huống mưa giông khiến cây cổ thụ nào đó ngã làm sập chuồng hổ, chắc chắn sự thả rông theo tiêu chí của khuyến cáo sẽ dễ dẫn đến hậu quả không thể nói trước được. 

“Để đảm bảo an toàn cho cả người và thú, ngoài lực lượng bảo vệ trực tiếp tuần tra, hiện chúng tôi còn theo dõi qua màn hình được hệ thống camera tại nhiều vị trí trong khuôn viên chuyển về, để từ đó xử lý tất cả các tình huống liên quan”, ông Trực cho biết.

THÁI BÌNH
.
.
.