Nhiều điểm thu mua phế liệu không an toàn cháy nổ tại Bình Dương
Chỉ đoạn đường ngắn khoảng 50m gần khu công nghiệp Visip nhưng có đến vài điểm thu mua phế liệu. Tại đây, vỉa hè bị các chủ vựa chiếm dụng làm nơi phân loại phế liệu, trong đó có cả rác thải công nghiệp trước khi đem bán, trông rất nhếch nhác.
Diện tích của các điểm thu mua phế liệu này đều nhỏ hẹp nhưng chứa toàn những vật liệu dễ cháy, nổ. Bên lề đường đối diện cũng được họ “trưng dụng” tập kết rác thải công nghiệp từ các công ty khiến người tham gia lưu thông, các em học sinh đi học phải lấy tay che kín mũi vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Lực lượng PCCC dập tắt đám cháy ở vựa phế liệu thuộc phường Thuận Giao. |
Anh Trần Quang Vinh, 32 tuổi, ngụ phường An Phú cho biết, lúc 9h ngày 15/3, kho phế liệu trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, thuộc phường An Phú bốc cháy. Người dân gọi điện cầu cứu lực lượng PCCC thị xã Thuận An. Ngọn lửa nhanh chóng bùng lên dữ dội, khói đen và mùi hôi của phế liệu bao trùm một khu vực rộng lớn. Bên trong nhà kho chứa nhiều vật liệu dễ cháy như vải vụn, giấy cuộn, hạt nhựa tái chế…
Nguyên nhân vụ cháy được cơ quan chức năng cho biết, do hàn điện bên cạnh kho phế liệu, lửa hàn bay qua, gây bắt lửa. Cách đó không lâu, kho phế liệu tại khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao (thị xã Thuận An) đã bốc lửa cháy dữ dội.
Trong Quyết định số 1832/QĐ-UBND ngày 24/4/2014 của UBND thị xã Dĩ An về việc ban hành danh sách các tuyến đường, khu vực, địa điểm hạn chế kinh doanh phế liệu đã quy định rõ các tuyến đường hạn chế kinh doanh phế liệu hoặc nếu có kinh doanh phế liệu (đã có trước đó) thì phải cách xa khu dân cư, trung tâm y tế, trung tâm văn hóa, trường học… ít nhất 200m và cách nhà dân liền kề 5m.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc các tuyến đường Trần Quang Diệu, đoạn gần ngã tư 550..., có hàng chục cơ sở đang hoạt động chỉ cách nhà dân một bức tường. Tại các cơ sở phế liệu này, các loại phế liệu không giá trị được chủ cơ sở này gom lại thành những đống to đùng, đa phần là rác thải công nghiệp như vải vụn, bóng đèn, mút xốp, da…
Thời gian qua, Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) thị xã Dĩ An đã phối hợp cùng các ngành chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân kinh doanh phế liệu trên địa bàn phường Dĩ An.
Trung bình hàng tháng, các cơ sở phế liệu tổ chức thu mua khoảng 1.500 tấn phế liệu các loại, chủ yếu là sắt, thép, vải vụn, giấy, bao bì, nilon... từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong khu vực hoặc từ các hộ gia đình. Qua kiểm tra, địa bàn phường Dĩ An có 50 cơ sở đang hoạt động, trong đó 41 cơ sở không giấy phép kinh doanh (GPKD), chỉ có 15 cơ sở kê khai và nộp thuế theo quy định. Cơ quan chức năng buộc 20 cơ sở trên phải di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh trong vòng 3 tháng.
Theo Thượng tá Võ Văn Hồng, Phó Công an thị xã Thuận An: Nhà nước không cấm ngành nghề kinh doanh phế liệu, nhưng kinh doanh mà vi phạm các quy định của pháp luật thì buộc phải xử lý. Đối với những cơ sở vi phạm thì cần có một khung pháp lý nhất định và tiến hành đồng bộ các biện pháp di dời, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh phế liệu cho chủ các cơ sở này.
Hàng tháng, Công an thị xã đã phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát PCCC thị xã, UBND thị xã Thuận An tổ chức tập huấn công tác phòng cháy cho các chủ thu mua phế liệu, cơ sở kinh doanh phòng trọ, khách sạn… trên địa bàn và yêu cầu họ ký cam kết về an toàn PCCC, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.