Nguy cơ mất ATGT từ những chiếc xe đưa, đón học sinh

Thứ Sáu, 10/04/2015, 15:21
Xe ô tô được sử dụng để đưa đón học sinh phần lớn không có sự đầu tư, quản lý của các tổ chức, cơ quan chức năng. Do vậy, khi có sự cố xảy ra, thiệt hại trước hết lại thuộc về học sinh và gia đình các em.

Những năm gần đây, người dân không còn xa lạ với những chiếc xe ô tô đưa, đón học sinh, nhất là ở các thành phố lớn. Việc các trường từ bậc học mầm non đến học sinh trung học tổ chức xe ô tô đưa đón học sinh đến trường và lúc tan giờ học tạo ra những thuận tiện cho nhiều gia đình ở cách xa trường, cha mẹ không có nhiều thời gian để đưa đón con đến lớp đúng giờ. Việc làm này cũng hạn chế phần nào cơ hội học sinh tụ tập, la cà quán xá sau giờ học, giảm bớt tình trạng học sinh đi xe máy đến trường.

Tuy nhiên, có một thực tế mà hầu hết ở phương thức vận tải này đều thấy rõ sự hạn chế và những vi phạm mà một số địa phương, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý. Đó là tình trạng xe cũ, không còn thời hạn lưu hành, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, đặc biệt ý thức chấp hành các quy định Luật giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện chưa cao...

Một ví dụ điển hình trong những tháng cuối năm 2014, trên địa bàn huyện Phú Lương (Thái Nguyên), Công an huyện đã tổ chức kiểm tra 9 xe ô tô đưa đón học sinh đang hoạt động, phát hiện 8 xe vi phạm.

Tại địa bàn Gia Lai, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra số phương tiện phục vụ đưa đón học sinh, phát hiện 29 xe hoạt động không đăng ký hợp đồng vận chuyển đưa đón học sinh, 30 xe hoạt động không đăng ký kinh doanh, 20 xe không niêm yết tên và số điện thoại chủ xe trên phương tiện, 12 xe thay đổi thiết kế ghế ngồi, 7 xe không có bình chữa cháy, 2 xe hoạt động có giấy phép kinh doanh nhưng không phù hiệu, 1 xe hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật.  

Hiện trường vụ cháy xe đưa đón học sinh tại TP HCM.

Theo Cục Cảnh sát Giao thông, qua đánh giá tình trạng vi phạm của phương thức vận tải này cho thấy, xe ô tô được sử dụng làm xe đưa đón học sinh phần lớn xuất phát từ nhu cầu tự phát, không có sự đầu tư, quản lý của các tổ chức, cơ quan chức năng. Do vậy, khi có sự cố xảy ra, thiệt hại trước hết lại thuộc về học sinh và gia đình các em.

Cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ, tuyên truyền sâu rộng về việc chấp hành các quy định của pháp luật giao thông và sự cam kết của các chủ xe tổ chức phương thức vận tải này. Gắn trách nhiệm của các nhà trường trong việc thuê xe và tổ chức đưa, đón học sinh theo lộ trình để tránh những nguy cơ mất an toàn giao thông hoặc ùn tắc giao thông tại các đường, phố hẹp.

Đối với cha mẹ học sinh, cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để có được dịch vụ tốt nhất và an toàn cao cho con, em mình.

Các cơ quan chức năng đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông cần tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý những sai phạm đối với các hành vi vi phạm nhằm phòng ngừa, hạn chế những nguy cơ dẫn đến mất an toàn và tai nạn giao thông.

Thiết nghĩ với những giải pháp cần thiết và sự quan tâm của cả cộng đồng, phương thức vận tải này sẽ phát huy tốt nhất các ưu điểm, phục vụ hiệu quả nhu cầu dịch vụ cho nhân dân, đồng thời giảm thiểu tối đa tình hình vi phạm, tai nạn giao thông có thể xảy ra.

Đặng Lanh
.
.
.