Người thừa kế có thể trực tiếp tham gia tố tụng
Trả lời: Theo quy định tại điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau:
- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
- Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
- Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
- Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án;
- Các đương sự đã tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án;
- Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;
- Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
- Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.
Như vậy, trường hợp của gia đình bà không thuộc các trường hợp quy định nêu trên. Do đó, tuy bố của bà là nguyên đơn trong vụ án dân sự đã mất nhưng có người thừa kế quyền và nghĩa vụ thì Tòa án không ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Theo quy định tại khoản 1 điều 62 Bộ luật Tố tụng dân sự thì trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng. Vì vậy, người thừa kế của bố bà (theo di chúc hoặc theo pháp luật) sẽ được tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn (hoặc đồng nguyên đơn trong trường hợp bố của bà có nhiều người thừa kế).
Thạc sỹ, luật sư Quản Văn Minh
(Công ty Luật Số 5 - Quốc gia, web: www.luatsuvietnam.vn )