Người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ bị xử lý như thế nào?

Thứ Ba, 07/04/2015, 08:46
Hỏi: Tôi là cán bộ y tế làm việc tại bệnh viện. Thời gian qua, tôi thấy có nhiều vụ việc người nhà nạn nhân tấn công bác sĩ. Vậy hành vi đó sẽ bị xử lý như thế nào? Trong trường hợp bị tấn công thì những cán bộ y tế có được phòng vệ chính đáng không và phòng vệ như thế nào để không vượt quá giới hạn pháp luật quy định? (Nguyễn Thị Lan, quận Đống Đa, Hà Nội)

Trả lời: Đối với hành vi tấn công bác sĩ của người nhà bệnh nhân, tùy vào mức độ, cũng như tính chất của hành vi “tấn công” đó mà người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi tấn công bác sĩ có thể bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, tùy vào mức độ của hành vi, thực tế thực hiện hành vi, công cụ phương tiện để thực hiện hành vi mà chủ thể thực hiện hành vi có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung như tịch thu phương tiện vi phạm…

Nếu hành vi “tấn công” có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự. Bác sĩ trong tình huống bị tấn công cần phải được bảo vệ và có quyền phòng vệ. Để phòng vệ không bị vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì cần phải hiểu rõ phòng vệ chính đáng theo Điều15 BLHS quy định về vấn đề phòng vệ chính đáng.

Hành vi của bác sĩ được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện: i) Hành vi tấn công của người nhà bệnh nhân là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội, đang hiện hữu xảy ra; ii) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích hợp pháp cần phải bảo vệ; iii) Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực hạn chế sự tấn công xâm hại, gây thiệt hại cho chính người đang tấn công; iv) Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi tấn công của người nhà bệnh nhân, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công xâm hại.

Nếu hành vi chống trả của người phòng vệ rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì đó là vượt quá phòng vệ chính đáng và tùy vào tính chất, hậu quả của hành vi mà người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi tương ứng, như: tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng (Điều 96 BLHS) hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá phòng vệ chính đáng (Điều 106 BLHS).

Công ty Luật TNHH Đào và Đồng nghiệp
.
.
.