Nghịch lý việc cấm lưu hành mỹ phẩm có chứa chất paraben

Thứ Hai, 20/07/2015, 09:44
Cơ quan quản lý nhà nước đã phát đi văn bản về cấm lưu hành các loại mỹ phẩm có chứa chất paraben (được cho là có thể gây ung thư và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản) từ ngày 1/8 tới đây. Tuy nhiên, trước những biện pháp của cơ quan chức năng nỗ lực ngăn chặn mỹ phẩm có chứa paraben thì bản thân những người trực tiếp sử dụng và kinh doanh mặt hàng này dường như vẫn chưa có quan tâm đúng mức.

Paraben và những tác động xấu đến sức khoẻ

Tháng 4/2015, ông Nguyễn Tấn Đạt, Cục phó Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ký quyết định gửi các cơ sở y tế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh yêu cầu cập nhật quy định về các chất dùng trong mỹ phẩm. Theo đó, năm hoạt chất gốc của paraben là sopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben. 

Động thái này của Cục Quản lý Dược ít nhiều đã khẳng định các  nhóm chất nói trên có hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Trên thế giới, từ năm 1998, việc nghi ngờ các chất paraben có trong mỹ phẩm gây ung thư đã xuất hiện tại các nước châu Âu, khi các nhà khoa học ở đây phát hiện các dẫn chất này có trong các tế bào ung thư vú của những người phụ nữ sử dụng mỹ phẩm. 

Ủy ban Mỹ phẩm cộng đồng châu Âu đã khuyến cáo người tiêu dùng về vấn đề này, đồng thời đề nghị các nhà sản xuất mỹ phẩm sử dụng các chất bảo quản khác an toàn hơn, hoặc chỉ sử dụng ở nồng độ cho phép.

Tại Việt Nam, mới đây, trong văn bản của Cục Quản lý Dược cũng quy định rõ, đối với nhóm các chất bảo quản dùng trong mỹ phẩm như methylisothiazolinone hoặc hỗn hợp giữa chất methylchlorothiazolinone với methylisothiazolinone chỉ được sử dụng trong các sản phẩm tẩy rửa như xà bông rửa tay, dầu gội, sữa tắm…

Cơ quan quản lý nhà nước đang siết chặt quản lý mỹ phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đặc biệt, hỗn hợp giữa chất methylchlorothiazolinone với methylisothiazolinone phải chia theo tỷ lệ 3:1 với nồng độ không quá 0,0015% trong tổng thể dung dịch của sản phẩm. Đối với một sản phẩm có hỗn hợp này và đã được chia theo tỷ lệ 3:1 mà còn có thêm methylisothiazolinone thì không được sử dụng trong mỹ phẩm. Theo đó, những sản phẩm chứa chất này được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/7/2015.

Riêng 2 dẫn chất Butylparaben và các muối, Propylparaben và các muối được dùng riêng lẻ với nồng độ tối đa 0,14% (tính theo axit). Cục Quản lý Dược cho phép sử dụng dạng hỗn hợp các paraben với tổng nồng độ tối đa là 0,8% (tính theo axit). Các sản phẩm vượt quá mức quy định sẽ phải thu hồi sau ngày 30/4/2016.

Dược sĩ Hoàng Thanh Minh, thành viên Hội Dược học Hà Nội cho biết, paraben và methylisothiazolinone có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, nên được sử dụng rộng rãi trong bảo quản mỹ phẩm và hoá mỹ phẩm.

“Tuy nhiên, giới khoa học thế giới đã khuyến cáo, dùng sản phẩm chứa một số dẫn chất paraben với nồng độ nhất định trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nam giới, thậm chí gây ung thư vú. Còn chất bảo quản Methylisothiazolinone với hàm lượng cao có thể gây dị ứng da”, bà Minh nói.

Tạo thói quen tốt để tự bảo vệ sức khỏe

Theo Cục Quản lý Dược, các chất này hiện có mặt trong hàng ngàn sản phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội đầu, kem dưỡng da, kem đánh răng, mascara, nước tẩy trang, nước hoa hồng, kem cạo râu, khăn ướt, sữa tắm… và được bán khá nhiều trên thị trường.

Thế nhưng, một nghịch lý là trong khi cơ quan quản lý nhà nước khuyến cáo, thậm chí đã phát đi văn bản cấm lưu hành thì những người bị tác động trực tiếp là người tiêu dùng thì gần như không để ý. Tại quầy mỹ phẩm một siêu thị ở Hà Nội, khi được hỏi có biết thông tin này không, chị Thái Anh cho rằng chị không để ý.

“Đây là những sản phẩm thiết yếu phải sử dụng hàng ngày và tôi mua những sản phẩm có tên tuổi, chưa bao giờ xem thành phần cấu tạo”, chị Anh cho biết.

Cũng tại đây, một nhân viên bán mỹ phẩm cũng gần như không hề biết đến quy định này. Thậm chí, họ không hề biết thành phần cấu tạo sản phẩm, chưa nói đến việc các chất độc hại được phép sử dụng với nồng độ như thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Lê Ngọc Diệp - Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc ngưng các dẫn chất paraben có trong mỹ phẩm là cần thiết khi những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đã được đưa ra. Theo TS Diệp, hiện có rất nhiều loại chất bảo quản có thể thay thế paraben. Vì thế, các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ tại khâu sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên chủ động loại trừ các chất paraben ra khỏi sản phẩm của mình, bằng cách sử dụng các chất bảo quản an toàn hơn vì sức khỏe người tiêu dùng.

Về phía cơ quan quản lý, Cục Quản lý Dược cho biết, từ 1/8/2015 sẽ siết chặt việc kiểm soát thành phần sản phẩm được công bố khi sản phẩm lưu hành, Cục sẽ phạt tiền và kèm hình phạt bổ sung rút chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thu hồi, ngừng lưu hành sản phẩm... nếu doanh nghiệp cố tình sử dụng paraben và các chất bị cấm trong sản phẩm. Đại diện Cục Quản lý Dược cũng kêu gọi các cơ quan thông tin truyền thông quan tâm đưa tin về các hoạt chất nguy hiểm này để người tiêu dùng có thể… quen mặt với những chủng loại hóa chất rất khó nhớ. Cơ quan này khuyến cáo: “Bằng cách nào đó, chúng ta cần tạo thói quen xem kỹ thành phần trước khi chọn mua hàng”.
Thu Sơn
.
.
.