Dự án cải tạo đường ngang của ngành đường sắt: sờ đâu sai đó

Thứ Bảy, 25/02/2017, 09:58
Bộ GTVT vừa có kết luận thanh tra công tác tổ chức, quản lý và thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang năm 2015 theo Quyết định 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (133 đường ngang), do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư lên tới 170 tỷ đồng. 

Theo đó, nhiều tồn tại, sai sót liên quan đến công tác khảo sát thiết kế; công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán đã được đoàn thanh tra chỉ rõ.

“Sờ” đến đâu, sai đến đó

Kết quả thanh tra nêu rõ: Trong việc nâng cấp, cải tạo sửa chữa các hạng mục nhằm lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trong năm 2015, đơn vị thực thi nhiệm vụ đã khảo sát thiếu chính xác khoảng cách từ đường dây thông tin hiện có tới đường sắt, dẫn tới thiết kế các cột bê tông điện lực số lượng quá mức cần thiết. 

Bên cạnh đó, thiết kế quá mức cần thiết hạng mục cải tạo nâng cấp auốc lộ chạy song song với đường sắt của các đường ngang: Km23+687, Km24+520, Km 27+212, Km31+717, Km90+931, Km105+135, Km 106+800, Km119+200. Điều đáng nói, sau khi cải tạo, nâng cấp kích thước hình học độ dốc vẫn vi phạm quy định về đường ngang. 

Đặc biệt, đối với đường ngang Km7+528, công tác khảo sát, thiết kế, thẩm định và phê duyệt ngoài phạm vi của dự án với giá trị lên tới gần 1 tỷ đồng. 

Thanh tra dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang năm 2015 lộ nhiều sai sót. Ảnh minh họa

Cùng đó, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt còn khảo sát sai một số hạng mục các đường ngang như đường ngang Km735+300, thiết kế sử dụng 3 cột điện lực, trong khi thực tế không phải sử dụng cột nào; đường ngang Km598+050, thiết kế sử dụng 3 cột điện lực, thực tế sử dụng 1 cột; cáp điện 2x4 đi theo thiết kế 1.480m, nhưng thực tế chỉ sử dụng 80m. 

Ngoài ra, với đường ngang Km7+528, công tác khảo sát, thiết kế ngoài phạm vi của dự án gây lãng phí không cần thiết cho dự án tới 225 triệu đồng. Về công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán cũng có hàng loạt sai sót. 

Cụ thể, một số đường ngang sai đơn giá đất đắp; đường ngang Km252+085 tính sai đơn giá sản xuất thép hình cho tấm đan bê tông các loại; đường ngang Km81+215, Km90+400 tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai tính sai đơn giá nhựa đường...

Với công tác đấu thầu, chỉ định thầu, thương thảo ký kết hợp đồng; công tác thực hiện hợp đồng và tiến độ thực hiện hợp đồng, đoàn thanh tra cũng nêu rõ: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lập kế hoạch đấu thầu phân chia các gói thầu theo từng đường ngang, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn (giá gói thầu dưới 500 triệu đồng) là chưa hợp lý, làm tăng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng. 

Đối với các đường ngang Km782+690, đường ngang Km783+372, đường ngang Km 784+895 tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh, chủ đầu tư đã thực hiện công tác đấu thầu, chỉ định thầu, công tác ký kết và thực hiện đầu tư và kế hoạch vốn là chưa đầy đủ trình tự, thủ tục về quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định. 

Đối với 133 gói thầu bảo hiểm, dù theo đặc điểm và tính chất của công trình có thời gian thi công ngắn (khoảng 1 tháng), nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, giá trị bảo hiểm thấp nhưng chủ đầu tư vẫn thực hiện trình tự như 1 gói thầu là không phù hợp, điều này đã làm tăng chi phí của các dự án. 

Không chỉ làm thất thoát chi phí, công tác quản lý chất lượng, khối lượng thi công xây dựng cũng không được coi trọng. Trong quá trình thực hiện dự án, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không phân công một bộ phận chuyên trách, dẫn tới các tồn tại như nhân sự tham gia quản lý dự án còn thiếu một số chứng nhận quản lý.

Yêu cầu giảm trừ, nộp lại ngân sách hàng tỷ đồng

Kết luận thanh tra cũng nhận định: Trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, sai sót trên thuộc về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các ban nghiệp vụ liên quan; các đơn vị tư thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn thẩm tra trong quá trình quản lý thực hiện dự án. 

Về các biện pháp xử lý, kết luận thanh tra giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế khắc phục những tồn tại, sai sót, hư hỏng đã nêu ở trên theo đúng hồ sơ thiết kế và phù hợp với thực tế hiện trường từng đường ngang, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam rà soát giảm trừ giá trị dự toán duyệt, giá trị hợp đồng các gói thầu tuân thủ đúng quy định của pháp luật, giá trị giảm trừ là 594 triệu đồng; giảm trừ 322 triệu đồng do tính sai chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán; thu hồi nộp ngân sách nhà nước giá trị là 434 triệu đồng, do khảo sát lập báo cáo kiểm tra kỹ thuật không đúng; thu hồi nộp ngân sách nhà nước giá trị là 516 triệu đồng, do không đầy đủ và không đúng trình tự thủ tục để thực hiện công tác giám sát các công ty tư vấn. 

Ngoài việc thu nộp lại tài chính, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các ban, cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm những sai sót nêu trong kết luận thanh tra, đề ra những biện pháp khắc phục, xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân theo thẩm quyền, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Thời hạn thực hiện và báo cáo về Bộ GTVT kết quả trước ngày 31-3. 

Nhật Đặng
.
.
.