Ngăn chặn TNGT do rượu, bia… phải làm từ gốc

Thứ Hai, 09/03/2015, 10:00
Trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 93 vụ TNGT, làm chết 57 người, bị thương 57 người. Trong đó, trên 10% số vụ do người tham gia giao thông đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, hiện nay việc kiểm soát, ngăn chặn TNGT do sử dụng rượu, bia mới chỉ giải quyết được phần ngọn, còn phần gốc vẫn chưa được thực hiện hiệu quả.

Thời gian qua, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng Bộ TT&TT thực hiện tuyên truyền nhiều thông điệp tại các địa phương trong cả nước với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo về việc sử dụng quá nồng độ cồn cho phép khi tham gia giao thông, nhiều người vẫn xem nhẹ tính mạng của mình và người khác.

Có thể thấy việc kiểm soát, ngăn chặn TNGT do rượu, bia hiện nay mới chỉ giải quyết được phần ngọn, tức là lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra, xử lý sau khi người điều khiển phương tiện giao thông đã sử dụng rượu bia.

Còn việc làm thế nào để người dân khi tham gia giao thông thì không sử dụng rượu bia còn tùy thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người. Thông thường, một người nặng khoảng 55kg uống 2 cốc bia hoặc 2 ly rượu mạnh thì nồng độ cồn trong cơ thể là 0,3mg/1 lít khí thở và phải sau 3 giờ, nồng độ cồn mới trở về 0.

Bác sỹ Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang cho biết: “Người uống rượu bia thường cảm thấy những phán đoán của mình lúc nào cũng đúng nhưng thực sự những hành vi đó không chính xác. Chẳng hạn như khi họ chạy xe với tốc độ cao nhưng họ vẫn cảm thấy… rất chậm. Đồng thời quan sát biển báo, tín hiệu giao thông không chuẩn nên dễ gây tai nạn”.

“Qua kiểm tra, một số người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn có thái độ không hợp tác với lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ, gọi điện thoại để xin người quen, có thể không ký tên vào biên bản, kể cả không khai rõ họ tên của mình, thậm chí có hành vi manh động” - Thiếu tá Trần Quốc Công, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Vị Thanh cho biết thêm.

Một vụ TNGT xảy ra tại huyện Châu Thành A (Hậu Giang) do người điều khiển phương tiện say rượu gây ra.

Sử dụng rượu, bia từ lâu đã trở thành thói quen sinh hoạt của người dân. Vì vậy, để kiềm chế, kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí trong năm 2015, đặc biệt là các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia quá nồng độ cồn cho phép gây ra, lực lượng CSGT toàn tỉnh Hậu Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các ngành liên quan cũng như chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT để các chủ cơ sở kinh doanh rượu bia, quán xá và khách hàng có ý thức tự điều chỉnh việc sử dụng rượu bia.

Đồng thời tập trung TTKS khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đặc biệt một giải pháp mới sẽ được lực lượng triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thượng tá Võ Chí Thanh, Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an Hậu Giang, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu chủ quán khi những người đến quán ăn phải có bãi đậu xe hoặc nơi giữ xe cho người uống rượu bia quá nồng độ cho phép. Đồng thời chúng tôi cũng kết hợp chặt chẽ với Công ty Taxi Hậu Giang khi có những trường hợp mà người điều khiển phương tiện đã đến nhà hàng, quán rượu bia quá nồng độ cho phép hoặc đã say thì đi taxi về nhà đảm bảo cho bản thân”.

Không mất mát nào lớn hơn khi cuộc vui phải đánh đổi bằng sinh mạng của chính mình và những người xung quanh. Để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng, tài sản của mình và người khác, chúng ta hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông.

Đây cũng là biện pháp để mọi người cùng chung tay xây dựng “Văn hóa giao thông” và góp phần kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Theo Nghị định 171 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển xe môtô, xe gắn máy trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 đến dưới 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng; nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời người điều khiển xe thực hiện các hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước giấy phép lái xe 1 - 2 tháng.
Đức Văn – B.Xuyên
.
.
.