Nâng đường biến nhà thành hầm, hẻm thành suối

Thứ Bảy, 05/09/2015, 07:42
Vấn đề cốt nền theo chuẩn quốc gia theo mốc cao độ của đảo Hòn Dấu từ lâu đã được các chuyên gia nhắc đến nhằm mục đích chống ngập cho TP Hồ Chí Minh. Nhưng trong một thời gian dài, khi phê duyệt thiết kế các dự án chỉnh trang đô thị hoặc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cho người dân tại các khu đô thị hiện hữu, vấn đề này đã bị các cơ quan quản lý đô thị của thành phố bỏ ngỏ.

Khi tiến hành xây nhà, đa số người dân cứ việc bám theo cao độ mặt đường, mặt hẻm để đặt móng nhà cao hơn ở mức 30 – 40cm nhằm tiện lợi cho việc chạy xe máy, ôtô ra vào nhà. Từ đó, hễ cứ khi chủ dự án hoặc thành phố thực hiện đầu tư nâng đường theo cao độ chuẩn, nhà dân trên tuyến đồng loạt biến thành hầm; các con hẻm trên tuyến đó đồng loạt trở thành suối.

Theo phản ánh của nhiều cử tri với HĐND thành phố, chỉ tính riêng trên địa bàn các quận 6, Tân Phú, Bình Tân, Phú Nhuận… đã có trên 100 con hẻm bị ảnh hưởng.

Với quan điểm khi Nhà nước hoặc chủ đầu tư bỏ tiền làm đường, giá trị nhà ở của người dân sẽ được tăng lên, do đó người dân đều không đòi hỏi, tự bỏ tiền khắc phục bằng cách tôn nền, nâng mái. Nhưng với các tuyến hẻm thành suối sau nâng đường thì người dân sống trong đó không dễ gì khắc phục bởi ngoài việc phải có sự đồng thuận của địa phương và cộng đồng dân cư do liên quan đến quy hoạch lộ giới hẻm; nguồn kinh phí để nâng cả hệ thống cống thoát nước lên cao sẽ rất lớn...

Để chấm dứt tình trạng xây cất không bảo đảm độ cao cốt nền này, gần đây khi cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, các phòng quản lý đô thị quận, huyện đều khuyến cáo độ cao cốt nền trên giấy phép xây dựng. Anh Vũ và nhiều người dân ở quận Gò Vấp vừa xây cất nhà trong một dự án phân lô hộ lẻ đã bị ảnh hưởng không ít từ chuyện khuyến cáo về cao độ móng công trình và nền nhà này.

Theo đó, khi được cấp giấy phép xây dựng, anh Vũ còn nhận kèm một văn bản do Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Thị Thanh Vân ký, có nội dung khuyến cáo rằng: Vị trí nhà thuộc khu vực có cao độ nền hiện trạng còn thấp hơn 1,1m so với cao độ Hòn Dấu. Cốt nền chuẩn trên địa bàn quận Gò Vấp hiện nay cần cao thêm 2,15m so với cao độ Hòn Dấu. Do vậy quận đề nghị anh Vũ nâng cốt nền thêm 1,05m so với mặt hẻm hiện hữu hoặc nâng chiều cao tầng trệt để có thể nâng nền cho đồng bộ với mặt đường sau này.

Từ khuyến cáo trên, anh Vũ và nhiều hộ dân xung quanh đã phải xây móng cao hơn khoảng 1m so với mặt hẻm nên đều phải làm cầu trượt bằng bê tông để lên nhà. Tuy đã lấn chiếm thêm một phần mặt hẻm để chiếc cầu trượt dài gần 2m, nhưng cứ mỗi lần vợ anh Vũ chạy xe máy về nhà là anh phải nai lưng đẩy xe vào nhà...

Anh Vũ và những người dân trong khu vực đều cho rằng là khá nguy hiểm mỗi khi đi xe ra vào nhà. Đã có trường hợp một người dân lớn tuổi bị xe máy đè gãy xương hông khi đẩy xe lên dốc cầu trượt để vào nhà không may bị trượt chân té ngã. Nhưng theo anh Vũ và các hộ dân ở đây, nếu không làm móng cao, nay mai khi đường nâng lên cả mét, nhà sẽ biến thành hầm, nước thải trong nhà sẽ khó thoát ra ngoài chứ chưa tính đến thực trạng nước mưa tràn qua cống thoát vào nhà. Người dân muốn chọn giải pháp làm tầng trệt cao hơn, song mức cho phép tối đa chiều cao tầng trệt trong giấy phép xây dựng cũng chỉ hơn 4m, không đảm bảo chiều cao còn lại của tầng trệt khi đường nâng, nền nhà phải nâng cao lên cả mét.

Anh Vũ thắc mắc, sau này khi nâng đường người dân lại phải tốn kém thêm một lần tiền để làm lại hệ thống thoát nước, sàn nhà, thiệt hại này ai sẽ chịu trách nhiệm? Tại sao không buộc chủ dự án phải làm đạt chuẩn về cốt nền để người dân được nhờ?

Đ.Thắng
.
.
.