Một loại giấy phép con cần dẹp bỏ

Thứ Năm, 26/04/2007, 18:47
Khi thành lập tổ đại diện BQL bến đặt tại các bến xe có nghĩa là đã đẻ thêm ra một loại giấy phép con, chưa kể phải tăng thêm vài chục biên chế đối với cấp sở GTVT hoặc sở GTCC. Thêm nữa, tổ đại diện BQL bến có nhiệm vụ giống phòng điều độ bến xe!

Việc thành lập các Ban quản lý bến theo Quyết định 08/2005/QĐ-BGTVT nhằm mục đích thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về vận tải hành khách tại bến xe; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm tại bến xe theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng sau hơn 2 năm đi vào thực tiễn, việc cho phép thành lập các tổ đại diện Ban quản lý đặt ngay tại bến như ở TP Hồ Chí Minh thì cần phải xem xét lại!

Tổ đại diện... đặt ngay trong các bến xe là thừa

Cho đến nay, trên thực tế chỉ có TP Hồ Chí Minh là có thành lập tổ đại diện Ban quản lý bến (ĐD BQL) và đặt tại các bến xe. Các địa phương khác hầu như không có đã cho thấy một điều: việc thành lập các tổ ĐD BQL bến đặt ngay tại các bến xe là không cần thiết! Bởi nếu cần thì các tỉnh, thành khác trên cả nước đã đồng loạt thực hiện.

Lý do, khi thành lập tổ đại diện Ban quản lý bến đặt tại các bến xe có nghĩa là đã đẻ thêm ra một loại giấy phép con, chưa kể phải tăng thêm vài chục biên chế đối với cấp sở GTVT hoặc sở GTCC. Còn đối với các bến thì sự hiện diện của tổ ĐD BQL đặt trong bến có nghĩa là thừa, là trùng lặp và làm thay nhiệm vụ của phòng điều độ bến xe!

Bên cạnh đó, mặc dù theo quy định, BQL bến được phối hợp với cơ quan liên quan xử lý vi phạm tại bến nhưng trên thực tế thì không hề có quy định quyền chế tài nào cụ thể cho BQL bến nên ngay như đóng đô ở một bến xe lớn nhất của cả nước là Bến xe Miền Đông thì 2 năm qua, tổ ĐD BQL ở đây cũng "chẳng làm nên trò trống gì" so với chức năng được giao.

Trong lúc, để lên tài thì xe thuộc các hợp tác xã và các doanh nghiệp (DN) vận tải phải có giấy đi đường hoặc lệnh xuất bến do người đứng đầu đơn vị ký. Nhưng dù là xe nào thì muốn chạy cũng phải qua phòng điều độ của bến xe, phòng này sẽ có nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ về mặt pháp lý của xe trước khi làm thủ tục và làm lệnh cho xe xuất bến...

Từ trước tới nay cũng chưa hề có chế tài xử phạt nào đối với các tổ ĐD BQL bến này trong việc để các xe không đủ giấy tờ xuất bến mỗi khi lực lượng CSGT các đội, trạm TP bắt được!

Để rồi tiêu cực đã có đất phát sinh…

Cũng chính vì được trao quyền to như vậy nên đây là một cửa ải mà mỗi khi xe vừa tới bến hoặc là chủ xe, hoặc là lái - lơ xe đều phải chạy qua chỉ để làm mỗi một việc là trình giấy tờ để kiểm tra và đóng dấu bến đi, bến đến vào sổ nhật trình chạy xe.

Ngày thường tại Bến xe Miền Đông có trên dưới 1.000 xe xuất bến, dịp lễ, Tết có thể lên tới 2.000 xe/ngày; Bến xe Miền Tây thì xấp xỉ 500 lượt xe/ngày trong khi tổ ĐD BQL bến chỉ có 2 - 3 người thường xuyên túc trực trong một căn phòng chật hẹp để làm cái việc mà có lẽ chỉ riêng các bến xe của TP Hồ Chí Minh có.

Anh N.V.L., chủ xe chạy tăng cường trong đợt cao điểm Tết vừa qua cho biết: "Dịp Tết, tôi đưa 2 xe là 38H-81XX và 38H- 82XX vào chạy tăng cường tại Bến xe Miền Đông. Khi tôi mang sổ nhật trình tới tổ ĐD BQL bến để đóng dấu, một chị nhân viên ở đây đã nói thẳng là đưa mấy đồng uống cà phê, lần đầu tôi phải cho 50 ngàn và lần sau là 30 ngàn đồng".

Đó là vào những đợt cao điểm, còn ngày thường theo tìm hiểu của chúng tôi trừ xe quen, các xe không đủ giấy tờ do đã bị giữ dọc đường (con số này theo thống kê của một trạm CSGT cửa ngõ TP là không nhỏ) muốn qua thì phải… biết điều!

Anh T. lãnh đạo một đơn vị vận tải trong Bến xe Miền Đông còn cho biết, đã có những lúc tổ đại diện BQL bến thậm chí còn câu kết với lái xe để qua mặt đơn vị chủ quản bằng cách khỏi cần lấy lệnh điều xe hoặc giấy đi đường của đơn vị quản lý nhưng vẫn cứ được đóng dấu vào sổ nhật trình.

Trong cuộc họp mới đây, một số đơn vị vận tải đã yêu cầu tổ ĐD BQL bến là chỉ khi có giấy đi đường hoặc lệnh điều xe của đơn vị quản lý cấp thì ban này mới được phép đóng dấu vào sổ nhật trình cho xe xuất bến. Nếu không, tổ ĐD BQL bến phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi xe đó gặp sự cố hoặc tai nạn dọc đường, do sợ trách nhiệm, việc này mới hầu như được chấm dứt.

Chưa hết, tại các tổ ĐD BQL bến đặt trong bến xe còn kiêm luôn cả dịch vụ bán bảo hiểm thân xe và hành khách cho chủ xe. Với số lượng đầu xe của 2 bến thuộc loại lớn nhất của cả nước như Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây, lại "vừa đá bóng vừa được thổi còi" thì chủ - lái xe làm gì còn con đường lựa chọn mua bảo hiểm của bất kỳ đơn vị nào khác?

Bởi mỗi lần xuất bến, bảo hiểm thân xe và hành khách đều phải qua tay các nhân viên thuộc tổ ĐD BQL này kiểm tra. Và như vậy thì các "nhân viên Nhà nước" này chỉ cần ngồi bán rồi hưởng các mức hoa hồng do công ty bảo hiểm trả trên dưới 10% đã dư sống… khỏe!

Cần đưa tổ ĐD BQL bến ra khỏi các bến xe ở TP Hồ Chí Minh!

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, có rất nhiều tỉnh, thành, ngay như TP Hà Nội - nơi có Bến xe Giáp Bát thuộc loại lớn của cả nước thì cũng vẫn thực hiện theo quy định trước đây. Tức là vẫn có BQL bến nhưng thuộc Phòng Vận tải của Sở GTCC, GTVT và chỉ tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với việc chấp hành các quy định vận tải hành khách liên tỉnh ở các bến.

Chứ tuyệt nhiên không có chuyện BQL bến ngồi tại bến xe làm thay việc của phòng điều độ bến xe hoặc việc của các đơn vị vận tải đối với lái xe như ở TP Hồ Chí Minh đang làm.

Tiến hành thăm dò ý kiến của lãnh đạo một số đơn vị vận tải, bến xe và tài xế về sự có mặt của tổ ĐD BQL bến ngay trong bến xe như ở các bến xe của TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đều nhận được sự khẳng định chắc nịch rằng đó là một công đoạn thừa, là chồng chéo và không cần thiết!

Vậy thì nên chăng, đã đến lúc cần đưa các tổ đại diện của BQL bến ra khỏi bến xe và thực hiện đúng chức năng về quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các bến như trước đây? Như vậy cũng sẽ giảm được phiền hà cho chủ xe và tài xế trong lúc cả nước đang đồng loạt thực hiện cải cách hành chính

Đức Thắng
.
.
.