'Góp ý vào dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự'

Mấy suy nghĩ về quyền im lặng trong tố tụng hình sự

Thứ Sáu, 17/04/2015, 07:37
Ở một số nước có nền pháp luật tiên tiến như Mỹ, Anh trong trường hợp khi thực hiện quyền im lặng của một nghi can có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cộng đồng thì lợi ích của cộng đồng đã được đặt lên trên.

Lịch sử hình thành của quyền im lặng đến nay vẫn chưa được hoàn toàn làm rõ.

Nghiên cứu những nước có quy định về quyền im lặng trong tố tụng hình sự cho thấy, quyền im lặng xuất phát từ nguyên tắc “con người không ai muốn tự chống lại bản thân mình” và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh việc bảo đảm quyền im lặng của người bị tình nghi thì tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của các nước có những quy định khác nhau, gắn với nhiệm vụ của tố tụng hình sự. Một vấn đề được quan tâm, đó là trong một số trường hợp cụ thể, khi thực hiện quyền im lặng của một nghi can có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cộng đồng thì sẽ giải quyết thế nào cho thỏa đáng.

Có thể thấy, ở một số nước có nền pháp luật tiên tiến như Mỹ, Anh thì trong trường hợp này, lợi ích của cộng đồng đã được đặt lên trên, cụ thể như đối với tội phạm khủng bố thì quyền im lặng đã bị hạn chế. Chúng ta đều biết, nhà nước nào cũng phải thực hiện 2 nhiệm vụ: Duy trì vai trò thống trị và thiết lập một trật tự để đảm bảo công bằng xã hội cho số đông nhân dân. Nhà nước thịnh trị là nhà nước dung hòa được hai chức năng này, khi không có sự cân bằng này đều có sự hỗn loạn nhất định và có thể bị thay đổi bằng nhà nước khác. Pháp luật luôn bảo vệ lợi ích của đa số, của số đông nhân dân. Không có sự tự do tuyệt đối, sự tự do thái quá sẽ là nguy cơ của một xã hội hỗn loạn và tội phạm từ đó mà sinh ra.

Ở Việt Nam, ngay từ Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên năm 1988 cho đến Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã xác định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Điều đó có nghĩa là bị can, bị cáo có quyền khai báo hoặc không khai báo, có quyền bày tỏ hoặc không bày tỏ ý kiến về cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đây chính là nội hàm của quyền im lặng được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và được thực hiện trên thực tế.

Khi đặt vấn đề về quyền im lặng của người bị tình nghi phạm tội thì cũng cần phải phân tích trong các tình huống cụ thể theo quy định của pháp luật để cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu người bị tình nghi không phải là người thực hiện hành vi phạm tội thì việc họ sử dụng quyền im lặng sẽ vô cùng bất lợi cho họ, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, tội phạm có rất nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, một trong các thủ đoạn đó là tạo hiện trường giả, chứng cứ giả để đánh lạc hướng điều tra.

Trong trường hợp này, việc người bị tình nghi cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng những tình tiết có liên quan sẽ giúp làm sáng tỏ những tình tiết chứng minh sự vô tội của họ. Còn nếu người bị tình nghi đúng là người thực hiện hành vi phạm tội thì họ đứng trước các lựa chọn:

Thứ nhất, nếu họ có thái độ ăn năn, hối lỗi, khai báo thành khẩn để có thể lập công chuộc tội, khắc phục hậu quả do mình gây ra thì họ được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, cụ thể điểm b, p, r khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”, “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, “người phạm tội lập công chuộc tội” là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và Điều 47 quy định khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ nêu trên, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định.

Thứ hai, người phạm tội muốn trốn tránh trách nhiệm đối với hành vi mà họ đã gây ra, sử dụng quyền im lặng để từ chối trả lời các câu hỏi hoặc khai báo gian dối thì trong trường hợp này, thái độ im lặng hoặc việc khai báo gian dối của họ không bị coi là tình tiết tăng nặng.

Như chúng ta đã biết, mọi hành vi phạm tội đều xuất phát từ ý chí của người phạm tội. Người phạm tội lên kế hoạch, chủ động phạm tội để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của họ. Do đó, căn nguyên của hành vi phạm tội nằm ở ý chí của chủ thể phạm tội, nên điều quan trọng nhất là phải có cách xử sự để họ thay đổi được ý chí một cách tích cực, triệt tiêu tư tưởng tiếp tục phạm tội. Pháp luật cần nghiên cứu quy định để quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là ngay từ quá trình điều tra để người phạm tội nhận thức rõ hơn sai lầm, tội lỗi của mình và nhận lỗi đó trước xã hội bằng nhiều cách mà trước hết là thái độ ăn năn, hối lỗi, thành khẩn khai báo của họ.

Không ai muốn tự buộc tội mình cả, nhưng nếu sự buộc tội đó là cần thiết để họ không tiếp tục phạm tội, để họ có thể bắt đầu tự cải tạo, để trở thành một người có ích cho xã hội là việc mà ở một xã hội nhân văn cần khuyến khích. Ngược lại, khi một người có lỗi và cao hơn nữa họ phạm tội mà chúng ta lại khuyến khích họ che giấu tội lỗi của mình là vấn đề cần phải xem xét lại. Quyền con người không thể công bằng cho tất cả mọi người trên thực tế vì quyền của người này đồng thời là nghĩa vụ của người kia. Con người tồn tại trong cộng đồng là phải dung hòa lợi ích của mình với cộng đồng.

Nguyễn Anh Minh
.
.
.