Mạnh tay xử lý tội phạm ‘xẻ thịt’ rừng ở Bạch Thông, Bắc Kạn

Thứ Hai, 13/04/2015, 11:12
Là huyện trung tâm của tỉnh Bắc Kạn, có diện tích rừng tương đối lớn (trên 42.000ha), trong rừng có nhiều loại gỗ quý hiếm như nghiến, đinh, lim, trai… nên Bạch Thông trở thành mục tiêu lớn của tội phạm khai thác lâm sản.

Trung tá Trịnh Vũ Ngàn, Trưởng Công an huyện cho biết, năm 2014, toàn tỉnh khởi tố 24 vụ vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng thì riêng Công an huyện Bạch Thông đã khởi tố 11 vụ (chiếm 45,8%). Xẻ gỗ quý bán kiếm lời vẫn là mục tiêu hàng đầu của “lâm tặc”.

Đêm 16/6, rạng sáng 17/6/2014, tổ công tác Công an tỉnh Bắc Kạn tăng cường tại xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông trong quá trình tuần tra đã phát hiện tại thôn Thôm Phụ, xã Cao Sơn, 2 xe máy vận chuyển lâm sản (thớt nghiến) trái phép. Khi tổ công tác ra hiệu lệnh kiểm tra thì các đối tượng phóng xe máy bỏ chạy. Tổ công tác sau đó đã tạm giữ 2 xe máy cùng 8 cục gỗ dạng thớt nghiến.

Đối tượng và tang vật trong một vụ “xẻ thịt” gỗ quý tại Bạch Thông.

Các đối tượng được xác định là Đặng Văn Thọ (28 tuổi, trú thôn Nà Cà, xã Mỹ Thanh); Triệu Nguyên Chính (28 tuổi, trú thôn Phiêng Kham, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông). Cơ quan CSĐT Công an huyện Bạch Thông cũng làm rõ đối tượng Ngô Xuân Huấn (28 tuổi, trú thôn Bản Luông II, xã Mỹ Thanh) là đối tượng tham gia mua bán, vận chuyển thớt nghiến cùng Thọ nhiều lần.

Quá trình điều tra, các đối tượng trên thừa nhận mua lại thớt nghiến của Hoàng Văn Nguyên, trú xã Vũ Muộn, để mang ra thị xã Bắc Kạn bán. Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra làm rõ đối tượng Hoàng Văn Nguyên (41 tuổi), Hoàng Văn Ngọc (22 tuổi), Lý A Dù (53 tuổi), đều trú thôn Còi Có, xã Vũ Muộn, cùng nhau đi khai thác, xẻ thớt nghiến tại khu rừng phòng hộ Lùng Vạt, xã Sỹ Bình và xã Cao Sơn. Mỗi thớt nghiến, chúng bán với giá 300.000 đồng. Ngày 21/6/2014, cơ quan CSĐT Công an huyện Bạch Thông đã phối hợp khám nghiệm hiện trường và làm rõ số gỗ bị các đối tượng khai thác trái phép là hơn 35m³.

Trước đây, để chặt hạ một cây gỗ nghiến, các đối tượng khai thác phải dùng cưa tay hoặc đốt, mất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên hiện nay có cưa máy (cưa xăng), các đối tượng có thể đốn hạ những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Từ báo cáo của Công an xã Vũ Muộn về hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn, Công an huyện Bạch Thông đã xác minh làm rõ đối tượng Đinh Như Hoà (27 tuổi), trú thôn Tốc Lù, xã Vũ Muộn đã cùng một số đối tượng khác khai thác trái phép 4 cây gỗ nghiến, thuộc nhóm IIA, tại khu rừng Mò Lọoc, thôn Tốc Lù, xã Vũ Muộn và khu rừng Đin Đeng, thôn Khuổi Đẳng, xã Sỹ Bình. Mở rộng điều tra, cơ quan Công an xác định Đàm Văn Từ (27 tuổi, trú cùng thôn Tốc Lù) đã khai thác trái phép 8 cây gỗ nghiến và 1 cây gỗ trai lý.

Ngày 5/11/2014, Công an huyện Bạch Thông cùng cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường. Khối lượng gỗ Từ khai thác trái phép là hơn 27m³ gỗ, của Hoà là hơn 3,3m³. Đặc biệt đối tượng Hoà đã bị UBND tỉnh Bắc Kạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng về hành vi khai thác lâm sản trái phép ngày 6/5/2013 nhưng đến thời điểm đó vẫn chưa chấp hành nộp phạt mà tiếp tục tái phạm. Cơ quan CSĐT Công an huyện Bạch Thông sau đó đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Đàm Văn Từ và Đinh Như Hoà về hành vi khai thác lâm sản trái phép.

Trung tá Trịnh Vũ Ngàn cho biết, một trong những khó khăn trong công tác điều tra, xử lý đối tượng khai thác lâm sản trái phép là khi họ khai thác với mục đích để làm nhà. Đây không phải là những đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, xẻ gỗ để buôn bán kiếm lời, mà chỉ do nhu cầu tách hộ, cần gỗ để làm nhà riêng nên họ lại lên rừng đốn cây...

Cũng theo Thượng úy Đinh Văn Tuyến, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về hình sự - kinh tế - ma tuý, những địa điểm đối tượng chặt cây thường là vùng rừng núi sâu, cách xa khu dân cư, đường sá đi lại hiểm trở nên việc chặt cây rất khó phát hiện. Là vùng đồng bào sinh sống, họ có mối quan hệ họ hàng, anh em ruột thịt nên thường bao che cho nhau, không tố giác tội phạm.

Chưa kể, do nhận thức cần gỗ làm nhà thì lên rừng xẻ cây, mỗi lần đi xẻ cả làng rủ nhau đi (từ 10 – 15 người) khiến cho công tác điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với những giải pháp mạnh tay xử lý, Công an huyện Bạch Thông đã góp phần “hạ nhiệt” điểm nóng khai thác gỗ trái phép này.

Cụ thể, trong năm 2014 Đội CSĐT tội phạm về hình sự - kinh tế - ma tuý Công an huyện đã thụ lý 22 vụ, 81 đối tượng khai thác lâm sản trái phép; đã điều tra khám phá làm rõ 20/22 vụ (đạt 90%). Đặc biệt là khởi tố 11 vụ, 29 bị can về hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, theo Điều 175, Bộ luật Hình sự.

Tang vật thu giữ gồm hơn 423m³ gỗ nghiến; 3,5m³ gỗ trai; hơn 194m³ gỗ xoan mộc; 1,5m³ gỗ tạp và hơn 700 triệu đồng.

“Từ việc phát hiện, bắt giữ các chuyến vận chuyển gỗ trái phép, chúng tôi cử cán bộ điều tra truy ra nguồn gốc số gỗ, đến hiện trường xác minh, từ đó mà xử lý đến tận cùng vụ việc” – Trung tá Trịnh Vũ Ngàn khẳng định. Chính vì thế, tội phạm “xẻ thịt” cây rừng giảm hẳn, quý I năm 2015 trên địa bàn huyện chỉ xảy ra một vụ khai thác lâm sản trái phép…

Quỳnh Vinh
.
.
.