Lợi dụng danh nghĩa giao đất cho dân để phá rừng

Thứ Tư, 27/05/2015, 09:31
Ngày 26/5, ông Nguyễn Văn Hân, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị Kiểm lâm đã phối hợp với lực lượng Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an tỉnh Quảng Ngãi tiến hành đo đạc, xác định loại gỗ mà Doanh nghiệp Thuận Hòa (đóng tại thôn An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) khai thác, vận chuyển từ xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi, vận chuyển tập kết về đây. Bước đầu, cơ quan chức năng đã lập biên bản tạm giữ trên 120m3 gỗ để điều tra làm rõ…

Lần theo sự việc, chúng tôi ngược đường về thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại đây phản ảnh, hơn một tháng qua, mỗi ngày đều có hàng chục nhân công cùng nhiều phương tiện thiết bị thi nhau đốn hạ rừng nguyên sinh.

Dọc theo các con đường dẫn vào rừng, gỗ được tập kết thành từng điểm lớn. Đáng nói, trong số đó có nhiều loại gỗ có giá trị như, huỳnh đàn vàng, chò, ké, xoan đào... mỗi cây có đường kính từ 0,8m đến 1m. Nhiều cây gỗ có chiều dài trên 10m.

Việc khai thác gỗ diễn ra hết sức chuyên nghiệp. Những cây gỗ to sau khi bị triệt hạ, tỉa cành đã được một chiếc xe chuyên dụng (loại xe bánh bằng xích) dùng dây cáp để kéo và dần đưa đến điểm tập kết. Từ đây, gỗ được chuyển lên trên đường lớn để đưa đi tiêu thụ…

Khi tiếp cận hiện trường, chúng tôi để ý trên con đường dẫn vào thôn Tre, cứ vài chục mét là có bãi gỗ lớn với hàng chục cây gỗ nằm ngổn ngang bên đường. Hầu hết những vết cưa còn mới và hoàn toàn không có dấu búa của lực lượng Kiểm lâm…

Chỉ vào những cây gỗ cổ thụ bị chặt hạ, già làng Hồ Văn Thanh, ở xã Trà Thọ, chua xót nói: “Từ nhỏ tới bây giờ, già thường xuyên vào cánh rừng này và đã quá quen với hàng trăm cây cổ thụ trong rừng có từ thời ông, cha già để lại. Người dân ở đây hưởng lợi rất nhiều từ việc cánh rừng giữ nguồn nước, không để sạt lở núi, vậy mà bây giờ già phải đứng chứng kiến cảnh người ta dùng xe, máy cưa vào đốn hạ gỗ, cái bụng đau đớn lắm!...”.

Gỗ được khai thác và xẻ ván ngay tại khu rừng nguyên sinh.

Theo người dân ở xã Trà Thọ cho biết, không thể thống kê hết được mỗi ngày có bao nhiêu cây gỗ bị đốn hạ và có bao nhiêu gỗ được vận chuyển đi tiêu thụ.

Ông Hồ Văn Ngọc, ở thôn Tre, xã Trà Thọ lắc đầu thở dài bất lực: “Hàng ngày, dân làng thường xuyên đi qua con đường này, thấy họ vận chuyển gỗ nhiều lắm. Có hôm cả đàn xe nối đuôi chất gỗ chở đi, cây nào cây nấy to đến 2-3 người ôm không hết. Bao đời nay dân làng mình thay phiên nhau bảo vệ những cây gỗ cổ thụ lớn. Bọn “lâm tặc” nhiều lần lén lút vào chặt gỗ, dân làng cương quyết tâm bảo vệ đến cùng. Còn bây giờ, cán bộ tỉnh, huyện, xã về thông báo được phép chặt hạ gỗ, dân làng đành bất lực nhìn cánh rừng hàng trăm năm tuổi bị triệt hạ…”.

Hàng trăm hộ dân ở xã Trà Thọ đều rất bức xúc và xót xa trước tình trạng phá rừng và vận chuyển công khai diễn ra suốt thời gian dài nơi đây. Lợi dụng danh nghĩa khai hoang vườn rừng, giao đất cho các hộ dân thuộc dự án hồ chứa nước Nước Trong, hàng trăm cây gỗ rừng nguyên sinh đã bị triệt hạ không thương tiếc và vận chuyển về xuôi tiêu thụ...

Trả lời về sự việc, ông Tiêu Viết Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, huyện Tây Trà cho biết, khu vực rừng đang khai thác thuộc phần diện tích đất rừng thu hồi của dự án hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong.

Trong phương án đền bù ghi rõ là gỗ tạp, tuy nhiên, thực tế không phải như thế. Theo quy định thì chỉ được thu hồi đất của các hộ dân, chứ không ai có quyền đưa ra quy định khai thác gỗ. “Việc tận thu những cây gỗ này, xã có biết và khi đi kiểm tra còn phát hiện có những vị trí không thuộc phần thu hồi nhưng nhiều đối tượng vẫn khai thác”, ông Phương thừa nhận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, khẳng định: Chính quyền huyện không có chủ trương về khai thác gỗ như trên. Quan điểm của huyện là giữ và bảo vệ rừng, dù gỗ tạp thì cũng phải bảo vệ. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo xã và các ngành chức năng xuống địa bàn trực tiếp kiểm tra, làm rõ vụ việc…

Ông Ngọc còn nói thêm, ông chưa hề ký bất cứ một văn bản nào cho phép các xe vận chuyển gỗ khai thác khu rừng trên ra khỏi địa phương.

Trà Câu
.
.
.