Lo ngại việc cho phép nhận chìm 14,3 triệu m3 bùn, đất ngoài khơi biển Vũng Tàu

Thứ Ba, 23/07/2019, 08:37
Để phục vụ thi công Dự án cảng biển tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (Công ty Long Sơn), ngày 4-3-2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã cấp phép cho Công ty Long Sơn được tiến hành nhận chìm 14,3 triệu m3 bùn, sét, cát mịn nạo vét từ dự án ra vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu.


Theo tính toán tại quyết định này, thành phần được phép nhận chìm xuống biển, cát mịn chỉ chiếm từ 3,1-16%; bụi chiếm từ 53,2-73,2% và đất sét chiếm tỉ lệ từ 15-35%. Vùng biển nhận chìm được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch rộng 600ha, có độ sâu từ 30-34m.

Mặc dù Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ TN&MT phê duyệt; Dự án nhận chìm ở biển cũng được Hội đồng tư vấn của Bộ TN&MT thẩm định. Đồng thời, theo ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kết quả kiểm tra thực địa gần đây nhất của Tổ công tác liên ngành vào ngày 4-7 cũng ghi nhận: Chủ đầu tư đã phối hợp với Viện Công nghệ môi trường thực hiện quan trắc môi trường hằng ngày và các số liệu quan trắc, phân tích đều còn nằm trong giới hạn cho phép.

Tàu hút bụng xả đáy để nhận chìm chất thải.

Nhưng hoạt động nạo vét, nhận chìm thực tế đang khiến không ít người dân, DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến ngành kinh tế biển ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh lo ngại việc này sẽ gây ô nhiễm môi trường biển. Nhất là khi lượng bụi chiếm tỉ lệ rất lớn trong thành phần vật chất được phép nhận chìm sẽ không thể chìm sâu xuống đáy biển, mà lơ lửng trên mặt nước bởi cách nhận chìm theo hình thức pha loãng bùn, đất để xả đáy của tàu hút bụng hiện tại.

Trước mối quan ngại về hình thức nhận chìm trên, ông Phạm Văn Mạnh đã trích dẫn biện pháp thi công nạo vét có trong Báo cáo thuyết minh đánh giá tác động môi trường của dự án và cho biết: Do có bùn nhão ở vị trí cần nạo vét, tàu hút bụng Trailer Suction Hopper Dredger (TSHD) có thể được sử dụng để nạo vét.

Tàu TSHD là tàu biển được trang bị ống nạo vét dạng hút, hệ thống bơm và hầm chứa chất nạo vét với cửa đáy và cửa tràn. Vật liệu nạo vét có thể đổ bằng cửa đáy tại vỏ tàu hoặc bơm ra khỏi hầm chứa. Trong quá trình nạo vét, bùn cát sẽ được bơm vào bụng chứa của tàu từ ống hút như một dạng hỗn hợp đất và nước và việc hạn chế nước trong hỗn hợp sẽ được kiểm soát?!

Khi tàu hút bụng ra đến vị trí nhận chìm, lệnh mở cửa xả đáy sẽ được phát ra để tàu thực hiện nhận chìm hỗn hợp bùn, nước này xuống biển. Song nếu được tận mắt chứng kiến các công đoạn một tàu TSHD xả đáy tiếp tục phun nước với áp lực lớn để nhận chìm hỗn hợp bùn đất đã được pha loãng ra mặt biển, sẽ lo ngại khi lượng bụi mịn chiếm tỉ lệ rất lớn trong hỗn hợp.

Nửa tháng sau khi cấp phép cho chủ đầu tư dự án, ngày 19-3 Bộ TN&MT quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhận chìm của dự án. Tuy nhiên, trong Thông báo ra ngày 20-6, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao Sở TN&MT tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo kiến nghị Bộ TN&MT về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động nạo vét, vận chuyển, nhận chìm chất nạo vét của chủ đầu tư dự án.

Ngày 10-7, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có văn bản báo cáo Bộ TN&MT về một số nội dung liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nạo vét, vận chuyển, nhận chìm bùn nạo vét của Dự án cảng biển tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Tại văn bản này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, bổ sung một số nhiệm vụ cụ thể cho Tổ công tác liên ngành của Bộ để bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả, tuân thủ đúng quy định.

Trước lo ngại của dư luận về hình thức nhận chìm kiểu xả đáy bằng tàu hút bụng này, ngày 15-7 ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tiếp tục có văn bản hỏa tốc giao Sở TN&MT và Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu khẩn trương xác minh thông tin và tham mưu cho UBND tỉnh hướng xử lý theo quy định trong tháng 7 này.

Đ.Thắng
.
.
.