Lò luyện thi trắc nghiệm ĐH: Vẫn chỉ là "rượu cũ"

Thứ Sáu, 23/03/2007, 13:54
Nhanh nhạy với thời cuộc, ngay sau khi có thông tin chính thức sẽ áp dụng 4 môn thi trắc nghiệm là Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học và Sinh học trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay, các trung tâm luyện thi ở Hà Nội đã nhanh chóng thu hút học sinh bằng cách đưa ra dịch vụ thi thử trắc nghiệm.

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quyết định các cơ sở giáo dục đại học không được tổ chức luyện thi nhưng các lò luyện thi vẫn đông nghịt sĩ tử. Dẫu thời tiết mùa này còn se lạnh nhưng tất cả các lò luyện đều đã được hâm nóng.

Bán thẻ học có số báo danh chỗ ngồi

Dừng xe tại ngã 3 phố Tạ Quang Bửu cắt với đường Đại Cồ Việt, tôi dường như choáng ngợp bởi cơ man nào là những biển quảng cáo cùng với lời mời gọi của các nhân viên trung tâm luyện thi mà tôi thoáng gặp đâu đó ở các quán… hàng ăn.

Nào là băng rôn ghi môn học kèm theo tên của thầy giáo được phóng to lên, nào là bán đề thi thử, đăng ký thi thử đại học và hầu như lò nào cũng không quên treo thêm biển: Luyện thi trắc nghiệm lớp 10, 11, 12, 13 các khối... Dường như không để tôi phải chờ lâu, một thanh niên (chắc là nhân viên một trung tâm ngay sát chỗ tôi đang dừng xe) chạy lại, kéo tôi vào sát vỉa hè.

Các lò luyện thi mùa... trắc nhiệm.

Ngay lập tức, một cô nhân viên khác của trung tâm đó chạy ra phía tôi kèm theo lời quảng cáo: Thi thử khối A-B-D vào hai ngày cuối tuần… rồi bảo tôi nộp 12.000 đồng lệ phí dự thi trắc nghiệm 1 môn. Khi tôi bảo đi đăng ký học thêm cho em gái, cô nhân viên tiếp lời: "Nếu vậy thì chị cứ học thử xem sao".

Rồi chị ta cho tôi biết, mỗi thẻ học thường có giá 38.000 đồng là có thể học 5 buổi cho 1 môn, tuỳ chọn từng môn để mua thẻ. Nói đến đây, chị ta không quên nhắc nhở tôi: "Giá này là mềm rồi, bởi có trung tâm còn treo giá tới 10.000 đồng/tiết học cơ". Tôi đành ngậm ngùi mua 1 thẻ học môn Toán, chị ta đon đả bảo tôi vào học thử luôn.

Người thanh niên lúc nãy lại nhiệt tình đưa tôi đi lòng vòng qua mấy ngôi nhà rồi rẽ vào một ngõ nhỏ, lắt léo là đến được lớp học. Gọi là lớp học, nhưng nó xập xệ và tạm bợ bởi đôi chỗ tường hở phải gán thêm cót ép.

Đến sớm nên tôi chọn được một vị trí ngồi có lẽ là thoáng nhất lớp. Một cậu học sinh ngồi bên cạnh vui vẻ quay sang nói: "Chị em mình may mắn thật, đi sớm mới có chỗ, chứ một lát nữa là chật cứng". Rồi cậu kể cho tôi nghe chuyện có lò ở bên cạnh còn bán số báo danh chỗ ngồi nếu mua thẻ sớm hoặc theo tháng. Nhưng cũng phải nhanh chân vì đến trước thì mới còn số chứ đến muộn thì vẫn phải ngồi ngoài như thường.

Tôi hỏi cậu ta môn Toán ở đây có phải là thầy Nhất dạy không? Cậu ta cười rồi trả lời: "Không có thầy Nhất đâu chị ơi, chỉ quảng cáo vậy thôi". Quả đúng như lời cậu học sinh, một lát sau lớp học đã chật cứng và người thầy giáo bước vào không phải là thầy Nhất mà trước đây tôi đã từng học. Giờ học nặng nề trôi qua trong nỗi thất vọng bởi những kiến thức mà thầy truyền đạt vẫn như các năm cũ, không có một sự thay đổi nào theo như quảng cáo...

Luyện thi trắc nghiệm: Thầy cứ đọc, trò cứ chép hoặc…  ngủ gật

Phải khá vất vả, tôi mới ra khỏi được lớp khi tan học. Theo chân mấy cô cậu học sinh, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến ngõ 366 đường Nguyễn Trãi (cạnh Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) vì nghe nói ở đây có cách luyện mới.

Tính sơ sơ, cái ngõ 366 nhỏ bé mà trong vòng chỉ có hơn 100m đã có tới 15 trung tâm treo bảng ghi danh luyện thi. Dù các bảng hiệu ở đây không ghi tên thầy hoành tráng như ở phố Tạ Quang Bửu nhưng chỗ nào cũng có lời quảng cáo "chất lượng cao" với đội ngũ giáo viên "giàu kinh nghiệm".

Chưa tới giờ vào lớp, tôi tranh thủ trò chuyện với mấy cô cậu học sinh vừa đi cùng lúc nãy. Văn (quê ở Thái Bình) cho tôi biết, ngày nào cũng vậy, các thầy sẽ giảng bài với một mớ kiến thức ít nhất là 2 trang giấy. Sau khi nghỉ giải lao tại chỗ 5 phút sẽ là lúc thầy phát đề trắc nghiệm cho cả lớp. Mỗi đề thi có 30 câu hỏi với thời gian làm bài 30 phút. Hết giờ, ai làm xong trước sẽ được thầy chữa bài và lấy làm ví dụ cho cả lớp.

Các em cũng cho biết, nhiều thầy bây giờ dạy bằng máy chiếu, vì thế phải hết sức tập trung mới tiếp thu được. Nhiều em không nghe kịp đành chỉ biết ngồi ngáp hoặc ngủ gật.

Lan (quê ở Hưng Yên) nói thêm: "Em thấy thiếu một phương pháp chung, cơ bản và vẫn diễn ra theo kiểu thầy đọc, trò chép. Bề ngoài thì cách luyện thi có vẻ đúng như tinh thần đổi mới, gắn với hình thức thi trắc nghiệm nhưng vẫn chỉ là phương pháp cũ. Chẳng qua vì chưa hiểu rõ về thi trắc nghiệm kiểu này và chưa yên tâm nên bọn em phải tìm đến lò luyện thi cho quen thôi".

Lan cũng cho biết, năm ngoái em cũng luyện thi ở đây nhưng không đỗ. Muốn ôn ở quê nhưng lại không yên tâm vì năm nay có thêm các môn thi trắc nghiệm. Đề thi đại học đã ra chung từ lâu, nhưng nhiều em vẫn nghĩ là thi trường nào thì ôn thi trường đó vì hy vọng "được học với các thầy sẽ chấm thi sau này thì chắc chắn sẽ đỗ".

Cùng với sự lo lắng đi luyện thi, các em còn đăng ký dự thi thử để mong biết được cách thức ra sao. Chính vì vậy mà trong khi chưa được phổ biến nhiều về cách thức thi này, thì các trung tâm luyện thi đã đua nhau ra đề để tổ chức thi thử thu lệ phí và khi thí sinh vừa ra khỏi phòng thi thì các dịch vụ bán đáp án đã sẵn sàng đáp ứng với giá 1.000 đồng/bản phôtô.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ban hành quy định về việc các cơ sở giáo dục đại học không được tổ chức luyện thi đại học. Trong khi quy định này vẫn còn gây nhiều tranh cãi thì các trung tâm luyện thi ăn theo (ngay sát bên cạnh) các trường đại học vẫn tiếp tục nóng lên từng ngày.

Học sinh thì vẫn còn lo lắng về các môn thi theo hình thức mới, trong khi cách luyện thi tại các trung tâm này thì thực chất vẫn chỉ là "bình mới, rượu cũ".

Như một kiểu kinh doanh chữ, nhiều trung tâm tiếp tục chạy theo mùa vụ, mượn danh nghĩa trung tâm luyện thi của những trường đại học nổi tiếng, treo biển quảng cáo với những thuật ngữ hấp dẫn, chất lượng cao do các GS, TS tên tuổi của các trường đại học này nọ trực tiếp giảng dạy… Nhưng thực chất lại chỉ có những giáo viên bình thường, thậm chí có cả hiện tượng sinh viên đứng lớp.

Trong khi đó, không ít những học sinh thiếu thông tin, nhất là học sinh ở các tỉnh xa, khiến cho không ít người thất vọng, nhiều em thì hoang mang lo lắng, đã đóng tiền cho những lò như vậy, khi nhận ra thì đã muộn quá rồi

Hồng Hạnh
.
.
.