Lò gạch thủ công tàn phá môi trường

Thứ Hai, 22/05/2017, 09:16
Dừng xe trước cầu Bợ bắc qua con sông Lô thuộc địa phận thôn An Lâm, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) là mùi khét nồng từ khói những lò nung gạch sộc thẳng vào mũi. Dù đang trong những ngày mưa nhưng những lò gạch thủ công này vẫn đua nhau xả lên những đợt khói trắng dày đặc.

Đi xuống con đường dưới chân cầu ngập bùn đất hằn những vết bánh xe tải nhỏ khi trời vẫn mưa dày hạt, khói bay ra càng thêm nặng mùi. Những thân cây gỗ nhỏ, cành củi dùng để đốt lò được chất thành đụm dọc hai bên vệ đường. Nằm đan xen khu vực các nhà dân sinh sống nhưng các cơ sở gạch nung với công nghệ lạc hậu này vẫn “vô tư” đỏ lửa. 

“Cắm rễ” trên địa bàn hàng chục năm nay, các cơ sở này mang đến nhiều tác hại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và gây ô nhiễm môi trường.

Tôi hỏi trực tiếp một công nhân đang dỡ gạch từ lò và được biết, mỗi đợt nung cho ra khoảng 10 đến 15 vạn viên thành phẩm. Đốt lò cần 15 -16m³ than và củi cho một đợt, thời gian “lên lửa” kéo dài 2 ngày 2 đêm. Trong thời gian ấy, khói sẽ liên tục thải ra qua phần ô thoát trên nóc, cao từ 7-10m. 

Trong khi tác nghiệp, một người đàn ông trung niên không xưng danh tính, tự nhận mình là người của thôn đi xe máy tới và không cho phóng viên tiếp tục ghi hình và chụp ảnh hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất gạch thủ công. Sau khi đe dọa nhằm mục đích cản trở quá trình thu thập thông tin của phóng viên, người này bỏ đi với những lời lẽ khiếm nhã.

Chị Dương Thị Lan, chủ cửa hàng tạp hóa nằm cách một lò gạch đang hoạt động chỉ vài bước chân, cho biết: “Các lò này ở đây lâu năm rồi, thấy chính quyền cũng nhiều lần xuống nói về việc ngừng hoạt động những lò gạch cũ ấy nhưng chưa thấy chuyển biến gì. Ngày nắng nóng thì không khí khó chịu, bức bối; ngày mưa, khói quẩn quanh dưới thấp hít phải cảm thấy rát cổ, cay mắt. Đợt nào nắng dài ngày thì liên tục xe vào ra nườm nượp, các loại khói bụi cứ thế thi nhau bay mù mịt”. 

Khu vực tập trung hơn 80 lò gạch tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Chị Lan cho biết thêm, vì các chủ lò gạch ở đây đều là người địa phương, nhân công cũng chủ yếu là người của xã, thôn nên rất khó khăn cho việc phản ánh. Sống chung với khói bụi gạch thì khổ sở, mà lên tiếng thì người ta ghét, có khi họ còn nói rất khó nghe.

Theo ghi nhận, nằm cách khu vực các lò gạch hoạt động khoảng 100m có điểm trường Tiểu học An Lâm thuộc thôn An Lâm, xã Thái Sơn. Cũng như tất cả các hộ dân sống xung quanh, nơi học tập và vui chơi của các em nhỏ cũng phải chịu khói bụi từ những cơ sở sản xuất gạch ngay đó thổi tới. 

Chị Lan chia sẻ rằng, nhiều phụ huynh có phàn nàn về hiện trạng như vậy ảnh hưởng đến sức khỏe con em nhưng đành chấp nhận sống chung với ô nhiễm vì không thể cho các cháu nghỉ học.

Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Thái Sơn, huyện Yên Sơn, ông Bùi Mạnh Hùng nói: “Tổng số trên địa bàn xã hiện có 80 lò sản xuất gạch của 43 hộ, con số này hoàn toàn là gạch thủ công. Hoạt động sản xuất của các cơ sở này có sự tham gia của hơn 1.000 lao động, với mức lương từ 3 – 4 triệu đồng/1 tháng”. 

Ông Hùng cho biết, các lò trên địa bàn là các lò cũ, dựng lên từ rất lâu nên công nghệ đã lạc hậu, bởi vậy khí thải rất nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Cộng với việc buôn bán, vận chuyển làm đường sá xuống cấp. 

Sản xuất lâu năm nên khi thiếu nguyên liệu, các chủ lò phải thu mua đất đồi, thậm chí là cả đất sản xuất của người dân. Việc này khiến hàng trăm hécta đất nông nghiệp bị hoang hóa.

Nguyên nhân chính của sự chậm chạp trong việc bỏ lò gạch thủ công, theo ông Hùng là do chưa có phương hướng nào để chuyển đổi việc làm cho hơn 1.000 nhân công. Xã đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt, tuyên truyền vận động để người dân ký cam kết ngừng hoạt động của lò thủ công nhưng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, xã rất lúng túng vì làm mạnh tay thì số lượng nhân công tại các cơ sở sản xuất trên sẽ không biết chuyển sang công việc gì.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Ngọc Chung, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang, tính đến ngày 13-3-2017, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 191 lò gạch đang hoạt động. 

Dù UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 398/QĐ-UB về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, nội dung là không cấp phép đầu tư mới các lò thủ công, lò thủ công cải tiến tuy nhiên trên thực tế, kể cả khi văn bản đã ra, các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công vẫn bất chấp để rồi cho xây dựng, làm “nảy nở” thêm rất nhiếu lò nung.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các lò sản xuất gạch nằm trong khu vực thành phố, thị trấn, gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu (khoảng cách tính từ lò gạch đến khu dân cư, khu vực canh tác dưới 100m) phải chấm dứt hoạt động chậm nhất trước ngày 21-12-2014. 

Sau phải chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel hoặc chuyển sang sản xuất gạch không nung. Các lò sản xuất gạch nằm trong khu vực còn lại phải chấm dứt hoạt động chậm nhất trước ngày 31-12-2017... Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, những yêu cầu này chỉ là trên giấy tờ, minh chứng bởi những lớp khói vẫn đang đan đặc thải ra môi trường.

Lộ trình đã có, thế nhưng việc triển khai thực hiện lại rất chậm chạp, thậm chí là giậm chân tại chỗ. Những lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, cạnh khu dân cư vẫn ngày đêm hoạt động làm cuộc sống, sức khỏe của người dân, đặc biệt là các em nhỏ bị bị tác động vì ô nhiễm và hoa màu của họ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trung Hiếu
.
.
.