Lập hồ sơ thương binh giả để chiếm đoạt tiền chế độ

Chủ Nhật, 29/03/2015, 09:38
Sau khi chi 10 triệu đồng để làm hồ sơ thương binh giả, Nguyễn Xuân Quán hưởng chế độ trợ cấp thương binh hằng tháng từ tháng 5/2013 với tổng số tiền 48.154.000 đồng. Đến tháng 10/2014 thì vụ việc bị phát hiện...

Ngày 27/3, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đã tống đạt cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Xuân Quán (52 tuổi, trú thôn 4, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 1997, Nguyễn Xuân Quán làm công nhân tại Xí nghiệp Chế biến, xuất khẩu gỗ Ea Súp. Quán có quen biết với ông Bùi Trung Trực (63 tuổi, trú tại phường An Bình, thị xã Buôn Hồ), cùng làm công nhân tại Xí nghiệp. Đầu năm 1998, Xí nghiệp giải thể nên cả hai quay về địa phương sinh sống.

Đầu năm 2010, Trực được Quán cho biết là bản thân có thời gian tham gia Quân đội nhưng chưa được hưởng chế độ gì. Trực còn được Quán lấy cho xem 1 quyết định phục viên, 1 lý lịch quân nhân. Trực cho biết, sẽ cầm các giấy tờ trên đi “làm giúp” chế độ cho Quán và Quán đồng ý.

Khoảng 2 tháng sau, Trực gặp Quán và cho biết, có thể làm được hồ sơ để hưởng chế độ thương binh, nhưng chi phí hết 10 triệu đồng, mọi thủ tục sẽ do Trực thực hiện. Quán đưa trước cho Trực số tiền 5.000.000 đồng để lo việc.

6 tháng sau, để hợp thức hóa hồ sơ, Trực đưa cho Quán 1 Giấy chứng nhận thương binh giả số 212/GCN ngày 20/2/1985 của Trung đoàn 113 - Bộ Tư lệnh đặc công và yêu cầu Quán đến UBND xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn để thực hiện việc sao y. Ngoài ra, Quán còn viết đơn, ký xác nhận một số giấy tờ theo yêu cầu của Trực.

Đến đầu năm 2013, Quán được giám định thương tật 2 lần tại Bệnh viện Quân y 48 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. Biên bản giám định thương tật số 275/GĐYK ngày 24/4/2013 của Hội đồng Giám định y khoa Quân khu 5 kết luận, tỷ lệ thương tật của Nguyễn Xuân Quán là 31%. Quân khu 5 đã chuyển hồ sơ thương binh của Quán đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk để tiếp nhận, quản lý chi trả. Xong việc, Quán đưa 5 triệu đồng còn lại như đã thỏa thuận cho Trực.

Nguyễn Xuân Quán đã được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Buôn Đôn chi trả chế độ trợ cấp thương binh hằng tháng và các khoản ưu đãi khác từ tháng 5/2013 với tổng số tiền 48.154.000 đồng. Đến tháng 10/2014 thì vụ việc bị phát hiện, điều tra xử lý.

Cơ quan điều tra hình sự Binh chủng Đặc công đã xác định: Nguyễn Xuân Quán từng tham gia Quân đội, có số hiệu quân nhân 83.339.253; nhập ngũ tháng 8/1983, xuất ngũ tháng 8/1986 thuộc Đơn vị E113 - Bộ Tư lệnh Đặc công. Kiểm tra sổ đăng ký theo dõi quân nhân bị thương đang lưu trữ, quản lý tại Ban Chính sách Cục Chính trị Binh chủng Đặc công, xác định không có tên Nguyễn Xuân Quán trong danh sách trên. Do đó Quán bị khởi tố.

Trước đó, Bùi Trung Trực đã chết (do đột tử) vào ngày 21/6/2013 nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

V.T.
.
.
.