Làm sai thiết kế đã duyệt, Lâm viên Biển Hồ trên phố núi bị băm nát

Thứ Tư, 06/07/2016, 09:01
công trình “Hạ tầng Khu du lịch Biển Hồ”, TP Pleiku nhằm chống sạt lở và hoàn thiện hạ tầng Khu du lịch Biển Hồ, gồm nhiều hạng mục kè chắn đất và ốp mái taluy. Thế nhưng trong quá trình thi công, liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng 468, Công ty TNHH MTV Hoàng Hải đã làm sai thiết kế đã duyệt...

Danh thắng mang tên Biển Hồ đầy thân thương, trữ tình trên phố núi Pleiku đã di vào thơ ca và huyền thoại. Không chỉ là thắng cảnh hữu tình do thiên nhiên ban tặng, Biển Hồ còn tạo nên nguồn nước khổng lồ cho cuộc sống sinh hoạt của toàn phố núi từ bao đời nay. Biển Hồ còn có tên gọi khác là hồ Tơ Nưng (Ya Nueng), một tuyệt tác thiên nhiên có một không hai nằm giữa lòng Tây Nguyên đầy nắng gió...

Do tính tự nhiên của tạo hóa từ thiên nhiên (miệng núi lửa) nên Biển Hồ có hình bầu dục, diện tích khoảng 230ha, xung quanh hồ là núi bao bọc và rừng thông xanh ngút ngàn, tỏa mát quanh năm. Truyện cổ dân gian của dân tộc Jơ Rai kể về sự tích Ya Nueng (Biển Hồ) khi xưa là bến nước uống chung của dân làng người Jơ Rai ở đây. 

Nước ở Ya Nueng quanh năm rất xanh trong, soi rõ mặt người. Dù mưa lũ dài ngày nhưng nước ở đây cũng không bao giờ tràn qua mặt hồ; dù nắng hạn cũng không bao giờ cạn đáy. Ya Nueng có từ bao giờ, già làng không biết, chỉ nghe kể xưa kia ở đây cây cối rậm rạp, quanh năm xanh tốt. Khi dân làng đến đây phá rừng làm rẫy, sinh cơ lập nghiệp nhà nào cũng sung túc... 

Nhà thi công đang phá nát khung viên Biển Hồ, một danh thắng quốc gia.

Thực tế, Biển Hồ nguyên là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua. Sự rộng lớn mênh mông của hồ nước này tựa như biển khơi giữa lòng núi nên người dân địa phương đặt tên là Biển Hồ. Dẫu thiên nhiên khắc nghiệt, nắng hạn đến đâu nhưng từ trước đến giờ nước Biển Hồ này vẫn chưa bao giờ cạn đến đáy. 

Biển Hồ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục ngàn người dân TP Pleiku. Đây còn là nơi có nhiều tôm cá, phong cảnh xung quanh hồ rất xinh đẹp, mát mẻ quanh năm và là nơi hẹn hò thú vị của nhiều đôi nam nữ yêu đương thật trữ tình và lãng mạn. Nhiều người còn ví Biển Hồ như viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên, là "đôi mắt" của phố núi Pleiku. 

Các nhà khảo cổ học cũng đã thám sát, thăm dò và khai mở trang sử từ lòng đất này và cho chúng ta biết thêm về văn hóa Biển Hồ, nền văn hóa đặc sắc thời tiền sử. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cấp Bằng di tích danh thắng cho Biển Hồ từ năm 1988.

Với lý do tầm quan trọng của khu danh thắng quý giá này mà tháng 10-2014, tỉnh Gia Lai đã “trút” kinh phí đầu tư Công trình “Hạ tầng Khu du lịch Biển Hồ”, TP Pleiku. Theo đó, dự án được UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, vốn 28,5 tỉ đồng.

Về lý thuyết, công trình này nhằm chống sạt lở và hoàn thiện hạ tầng Khu du lịch Biển Hồ, gồm nhiều hạng mục kè chắn đất và ốp mái taluy. Thế nhưng trong quá trình thi công, liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng 468, Công ty TNHH MTV Hoàng Hải đã làm sai thiết kế đã duyệt...

Theo Sở Xây dựng Gia Lai, quá trình thi công sai tuyến tim kè, cốt cơ kè và mái taluy từ cọc 17 đến P19 và cọc TD 13 đến TC13 (đoạn Km0 + 422,84-Km 0 +467,14). Nhiều đoạn kè và mái taluy lấn sâu vào đất của đồi Vọng Cảnh và các khu vực lân cận từ 2,85m so với bản vẽ... gây ảnh hưởng lớn đến mỹ quan và hiện trạng khu vực này. Nhiều du khách chứng kiến cảnh đào bới tứ tung, băm nát khu vực đồi Vọng Cảnh và dọc 2 bên tuyến đường lối vào khung viên mà đau xót khó tả. 

Sở Xây dựng Gia Lai xác định hiện trạng các mái taluy âm và dương thi công bị vênh cục bộ, không khớp nối tuyến theo hồ sơ thiết kế gây mất mỹ quan, gây nguy cơ cao sạt lở xung quanh khu vực. Cũng chính sự thi công sai lệch, phá nát xung quanh khung viên Biển Hồ mà phía nhà thầu và chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh thiết kế tại tờ trình ngày 4-4-2016 nhằm thay đổi một số nội dung trong hồ sơ thiết kế thi công xây dựng công trình.

Dư luận tại Gia Lai thật sự khó hiểu khi một danh thắng như Biển Hồ Pleiku đã bị các cá nhân cố ý làm thay đổi hiện trạng, sai lệch thiết kế phê duyệt để rồi tìm cách khắc phục, sửa chữa theo ý chủ quan cá nhân. Lâm viên Biển Hồ đang bị phá nát nhưng cứ xem như chuyện đã rồi. 

Phía UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo phê bình và kiểm điểm các cá nhân liên quan thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư mà thiếu trách nhiệm về quản lý để công trình bị làm sai lệch... Tỉnh Gia Lai cũng giao cho Sở Xây dựng kiểm tra xác định sai phạm để xử lý và yêu cầu khắc phục lại, không để xâm hại cảnh quan, ô nhiễm nguồn nước...

Trước đó công trình vành đai D2, Khu lâm viên Biển Hồ, TP Pleiku, cũng do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư, giá trị trên 3,29 tỷ đồng. Nhưng quá trình chọn nhà thầu ẩu đã cho tạm ứng gần 2 tỷ đồng, nhưng khối lượng thực hiện chỉ đạt 872 triệu đồng. Sau khi bể nợ ra tòa, Giám đốc nhà thầu Bình An (Gia Lai) đã khai ra nhiều tiêu cực nhưng không có cơ sở để làm rõ. 

Hiện nay dự án “Hạ tầng Khu du lịch Biển Hồ” này cũng cho thấy nhà thầu đã làm ẩu và đang phá nát khu danh thắng mang tầm quốc gia.

Đặng Ngọc Như
.
.
.