Không được "bức tử" sông Sê rê pốk!

Thứ Tư, 11/05/2011, 09:59
Sê rê pốk - dòng sông chảy giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, vốn là một thắng cảnh của Tây Nguyên huyền thoại. Không những thế, sông còn là nguồn cung cấp nước sạch và cá tôm cho đồng bào bản địa từ xưa đến nay. Vậy mà giờ đây, dòng sông này đang bị các nhà máy trong Khu công nghiệp Tâm Thắng (thuộc huyện Cư Jút, Đắk Nông) bức hại. Mấy ngày vừa qua, cá tôm chết trắng sông vì nước thải công nghiệp xả thẳng ra sông.

Xót xa nhìn dòng sông chết!

Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà của mình cạnh bến nước buôn Nui, xã Tâm Thắng, già Ama Gun buồn bã nói: Hai ngày qua, bà con buôn Nui, buôn Bua đổ ra sông bắt cá, cá chết trắng bờ. Sau trận mưa đầu mùa, các nhà máy tranh thủ xả nước, bà con bức xúc mà không biết làm sao.

Không những tôm cá chết, mà rồi đây, khi sông ô nhiễm, không biết bến nước của buôn làng sẽ ra sao! Theo già Ama Gun thì phong tục của đồng bào xưa nay vẫn tắm rửa hàng ngày ở bến sông, thậm chí còn dùng nước sông để ăn uống, sinh hoạt.

Vì thế, việc nước sông ô nhiễm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con. Dẫn chúng tôi ra tận bến sông, già Ama Gun khẩn thiết: Các anh thấy đó, sông đục ngầu vì nạn chặt phá rừng, giờ lại thêm ô nhiễm, bà con vẫn phải dùng nước đó hàng ngày để tắm giặt, sức khoẻ đồng bào sẽ ra sao!

Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng: "Chúng tôi nhiều lần kiến nghị nhưng mọi việc vẫn không thay đổi".

Một thanh niên đang tắm bước lên kể: Hôm kia, mình nghe tin cá nổi liền chạy ra vớt được một con cá lăng hơn 2 chục ký lô luôn! Còn cá nhỏ thì nhiều lắm, chết hết!

Khi chúng tôi đề cập vấn đề này với chính quyền địa phương thì ông Phùng Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, tỏ ra bi quan: "Nói thật với các anh, vấn đề ô nhiễm của khu công nghiệp thì nói hoài rồi mà vẫn thế. Chính quyền cấp xã chúng tôi không có quyền kiểm tra giám sát nên chỉ dừng lại ở mức đề nghị thôi! Thời gian gần đây việc vi phạm ngày càng thường xuyên, bà con phản ánh nhiều, chúng tôi cũng lo nhưng… không biết làm gì!".

Ông Hùng còn cho biết thêm: Tại Khu công nghiệp Tâm Thắng hiện nay có nhiều nhà máy đang hoạt động, nhưng "nổi cộm" hơn cả là nhà máy chế biến cồn và nhà máy mía đường. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị các nhà máy cần quan tâm đến việc xử lý nước thải nhưng rồi mọi việc vẫn không thay đổi - ông Phùng Quang Hùng kết luận.

Các nhà máy quanh co đổ lỗi cho nhau

Cổng xả này gom nước thải từ khu công nghiệp xả ra sông.

Để tìm hiểu kỹ hơn thực trạng vấn đề, chiều 9/5, nhóm phóng viên đã có chuyến đi tìm hiểu tới các nhà máy tại Khu công nghiệp Tâm Thắng. Tại đây, ngoài một số nhà máy chế biến nông sản, tôn thép… cỡ nhỏ thì có hai nhà máy lớn, sử dụng nhiều hoá chất, bị người dân đặt nhiều nghi vấn đó là Công ty TNHH Đại Việt chuyên sản xuất cồn công nghiệp và Công ty cổ phần Mía đường Đắk Nông.

Tại Công ty Đại Việt, ông Đào Trọng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, hùng hồn tuyên bố: "Tôi không sợ nhà báo, nếu công ty tôi phải đóng cửa thì các công ty trên cả nước cũng phải đóng cửa!". Ông Tuấn khẳng định: "Công ty tôi có dây chuyền xử lý nước thải hiện đại, sau khi xử lý xong lại được dùng trở lại, không hề thải ra sông một giọt!".

Và để chứng minh, lãnh đạo công ty dẫn phóng viên đi lòng vòng xem dây chuyền xử lý nước thải với "nội quy": Không được quay phim chụp ảnh vì sợ "lộ bí mật"! Ông Đào Trọng Tuấn úp mở: "Chúng tôi không biết công ty nào xả nước làm ô nhiễm, nhưng chỉ có Công ty Đại Việt có dây chuyền xử lý hiện đại, ngay cả Công ty Mía đường bên cạnh cũng không có!".

Chúng tôi tiếp tục làm việc với lãnh đạo Công ty Mía đường Đắk Nông. Ông Lê Thanh Hoàng, Phó Tổng giám đốc công ty phân trần: Nhiều người nói nhà máy chúng tôi xả nước thải làm chết cá ngoài sông, tôi khẳng định là không có chuyện đó. Ông Hoàng nói: "Chúng tôi đã nhiều lần phát hiện Công ty Đại Việt xả nước bẩn chưa qua xử lý ra sông và đã báo lên cấp trên!".

Để tìm rõ thực hư, chúng tôi tiếp tục ra bờ sông tìm hiểu. Ngay phía ngoài các nhà máy, có một miệng cống nước thải đen ngòm đang róc rách đổ ra sông. Anh Lê Minh Lý, một người dân sống gần đó khẳng định: Đó là cống nước thải của nhà máy sản xuất cồn Đại Việt. Đi xuống phía hạ lưu, lại gặp một cống nước thải nữa.

Như vậy việc các nhà máy xả nước thải ra sông là có thật, có điều, theo người dân, để tránh bị phát hiện, họ thường xả vào ban đêm, hoặc tranh thủ lúc trời mưa to. Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt thì chỉ nay mai, sông Sê rê pốk sẽ bị khai tử và hậu quả là người dân phải trực tiếp gánh chịu

Tuấn Thiện
.
.
.