Khốn khổ vì lục bình dày đặc sông rạch

Thứ Hai, 21/09/2015, 08:21
TP Hồ Chí Minh hiện đang gặp phải vấn nạn lục bình dày đặc mặt nước kênh rạch, sông, gây ra ô nhiễm nặng nguồn nước, bùng phát dịch sốt xuất huyết do muỗi và loăng quăng (bọ gậy), làm tắc nghẽn dòng chảy và ngạt oxy trong nước…
Mới đây, lãnh đạo thành phố đã gửi công văn tới 4 tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai nằm trong lưu vực hai con sông Vàm Cỏ Đông và sông Đồng Nai cùng chung tay, hiệp sức tiêu diệt nạn lục bình phủ dày đặc trên sông rạch hiện nay.

TP Hồ Chí Minh có khoảng 170 kênh rạch và 2.000km kênh rạch đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước. Nhưng đã có khoảng 700km kênh rạch bị lục bình, cỏ dại bao vây phủ kín ngăn cản dòng chảy, gia tăng ô nhiễm nguồn nước và bùng phát nhiều dịch bệnh từ muỗi, loăng quăng…

Mỗi năm bình quân thành phố đã chi khoảng 2,7 tỷ đồng cho công tác trục vớt lục bình, khai thông dòng chảy từ phía thượng nguồn và nội thành nhưng kết quả không như mong muốn. Hàng vạn người dân đang sinh sống dọc tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân) trong suốt hai năm qua luôn phải sống trong cảnh khốn khổ vì muỗi quá nhiều và ô nhiễm nghiêm trọng dòng nước do lục bình phát triển dày đặc.

Công nhân lao động trong KCN Tân Bình phải thường xuyên xoa kem chống muỗi khi vào ca và năng suất làm việc giảm, dịch bệnh ngày càng đe dọa, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết đối với trẻ em và cả người lớn. Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV DV Thủy lợi TP cho biết: Khoảng hai năm trở lại đây, lục bình đột nhiên phát triển dày đặc khắp nơi, từ ngoại thành đến nội thành đâu đâu cũng có. Không chỉ ảnh hưởng đến giao thông thủy, gây ô nhiễm khu vực nội thành, lục bình còn tác động xấu đến hoạt động thủy lợi của thành phố”.

Lục bình phát triển rất nhiều dày đặc sông Vàm Cỏ Đông từ huyện Bến Cầu, Gò Dầu và thượng nguồn sông Đồng Nai từ phía Bình Dương đã nhanh chóng theo dòng chảy và thủy triều tràn vào các nhánh sông, kênh rạch thành phố càng nhiều tỷ lệ thuận với nạn ô nhiễm, tắc nghẽn dòng nước và nhiều hệ lụy khác.

Lục bình đầy sông rạch tại phà An Phú Đông.

Từ năm 2013, thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý lục bình và thống nhất thử nghiệm hệ thống máy cắt, vớt do Đại học Công nghiệp TP chế tạo tại một số kênh rạch trên địa bàn quận Bình Thạnh. Lục bình sau khi vớt lên mang đi ủ, hủy hoại làm phân vi sinh, hữu cơ cũng chưa hoàn thiện giải pháp xử lý nên việc sử dụng máy cắt, vớt lục bình rất tốn kém, chi phí vận chuyển cao, xử lý chưa ổn nên… lục bình vẫn đày đặc sông rạch.

Được biết, máy cắt, vớt lục bình là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ máy công nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp TP thực hiện từ năm 2009. Công suất máy cắt, vớt đạt 0,22h/giờ và hoạt động 8 giờ/ngày. Về chi phí khoảng 800.000đ/ha, rẻ hơn nhiều lần so với thuê công nhân lao động cắt tay thủ công (4-6 triệu đồng/ha).

Thế nhưng, sau 3 tháng thử nghiệm tại kênh rạch Thủ Tắc, rạch cầu Bông, cầu Sơn…, cơ quan chức năng gặp phải nhiều khó khăn thách thức. Về mực nước thủy triều xuống thấp không thể cho máy cắt vớt được, bãi tập kết lục bình để chở đi xử lý tại quận 2 gây ô nhiễm môi trường, thời gian máy chở lục bình cắt vớt xong vào bãi tập kết và quay lại chiếm 50% số thời gian hoạt động của máy, tốn chi phí, nhiên liệu…

Muốn diệt lục bình cần phải có sự chung tay của các tỉnh nằm trong khu vực sông Vàm Cỏ Đông và sông Đồng Nai… Nhưng các sở KH&CN và chính quyền địa phương đã tốn kém nhiều tiền của và đang gặp phải nhiều khó khăn về kinh phí, xử lý nên vẫn loay hoay chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để  diệt nạn lục bình trên sông. Dòng chảy bị đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đường thủy, ô nhiễm nặng môi trường nước và gia tăng cao nguy cơ bùng phát các dịch bệnh…

Hiện nay, người dân vẫn phải tiếp tục sống chung với lục bình để chờ giải pháp xử lý của cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh.

Hoàng Châu
.
.
.