Hội chứng tầm nanh săn vuốt mãnh hổ

Thứ Sáu, 25/12/2009, 10:38
Năm hổ sắp gõ cửa mọi nhà nên nhu cầu săn lùng và đeo nanh vuốt chúa sơn lâm để thỏa nguyện mọi ước mong tiền tài, danh vọng, sức khỏe… đã trở thành niềm tin, nhu cầu vô hạn của nhiều người có máu dị đoan.

Để có được "của quý", lắm người cất công lên tận các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, vùng đất mà họ tin tưởng là xứ hổ xứ voi đặng tuy ển các món "binh khí" của chúa tể rừng xanh. Theo chân đội quân nanh vuốt và đi sâu tìm hiểu, chúng tôi vỡ lẽ nhiều sự thật nực cười ra nước mắt.

"Trấn quỷ trừ tà - đao thương bất nhập"…

Trước khi trở thành giám đốc một công ty may gia đình có hơn 20 nhân viên, ông Nguyễn Văn Hải, nhà ở khu vực Chợ hóa chất Kim Biên (quận 5) từng có những năm tháng lưu lạc tại các tỉnh thuộc vùng đất đỏ bazan với tên thường gọi "Tây Nguyên".

Ông Hải tâm tình, nhờ sống qua nhiều buôn làng, tiếp xúc với lắm già làng nên ít nhiều ảnh hưởng niềm tin tâm linh đeo càng nhiều nanh vuốt mãnh thú như gấu, heo rừng, beo lửa…, đặc biệt là đeo nanh vuốt ông ba mươi thì càng hưởng nhiều đặc ân của thần linh, trời đất.

Những nanh móng úa màu chứng tỏ hàng xưa cũ càng được các môn đồ nanh vuốt ưa chuộng.

Nhờ ông Hải làm nhịp cầu mà chúng tôi có dịp tiếp xúc với một tay chơi luống tuổi tên Ngàn cũng hoạt động trong ngành may vốn rất máu me trong việc sưu tầm nanh vuốt. "Tôi sinh năm Dần nên việc tuyển "đồ chơi" của cọp là lẽ đương nhiên. Qua tham khảo nhiều thư tịch cổ và từ tự sự của nhiều bậc tiền bối, tôi còn biết ngoài tác dụng trấn trừ tà ma, khu phong bài chướng khí, ngày trước nhờ nanh vuốt mà các chiến binh rừng xanh tránh được họa đao thương. Cách đây không lâu, tôi được một cựu chiến binh người Chơro kể chuyện nhờ chùm nanh hổ 7 cái đeo cổ mà khi lâm trận, mũi tên, hòn đạn của kẻ thù không bao giờ chạm được vào người ổng"...

Nghề chơi cũng lắm công phu

Để tuyển được nanh vuốt chúa sơn lâm, các môn đồ mới nhập lò thường đáo ra khu vực phố thuốc Đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5). Với hơn 100 quầy hàng sin sít nhau, không chỉ nức tiếng là "chợ cao đơn hoàn tán", "chợ sừng tê", "chợ biệt dược" lớn nhất Việt Nam, phố thuốc còn để lại dấu ấn sâu đậm với các môn đồ nanh vuốt khắp trong Nam ngoài Bắc vì sẵn sàng cung ứng nanh, vuốt hùm thiêng với số lượng không giới hạn.

Chỉ vào bộ sưu tập hơn chục cái nanh lớn bé được chạm trổ nhiều kiểu dáng khác nhau cái bọc vàng, cái bọc bạc nằm ngay ngắn trong chiếc tủ kính, ông Ngàn giọng tự hào: "Để có được bộ sưu tập này, tôi đã phải cất công lên khắp các tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kom Tum, Lâm Đồng. Phải luồn sâu vào các buôn làng, phải cậy người cắm chốt có "hàng" là alô, kỳ công lắm mới tậu được đấy!".

Câu chuyện rời phố lên rừng "săn" nanh vuốt mãnh hổ của ông Ngàn và những người có cùng sở thích khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm bắt gặp cảnh nhiều tay chơi cả nam lẫn nữ đổ xô lên xứ ngàn thông đặng tuyển mấy "món đồ" mà nếu thiếu nó, mãnh hổ chỉ là con thú tầm thường không hơn không kém.

Đeo đồ nhựa mà cứ ngỡ nanh hùm

Có đúng nanh vuốt chúa tể rừng xanh có tác dụng khu phong, trấn quỷ trừ tà, mang lại nguyên khí, tài lực cho người đeo nó? Và liệu có đúng là những chiếc nanh vuốt mà ông Quân, ông Hải, ông Ngàn và những người có cùng niềm tin, cùng sở thích bỏ bạc triệu tuyển về bọc bạc dát vàng chính là "đồ thật" tuyệt đối?

Đem thắc mắc này trao gửi đến nhiều bậc cao niên và các già làng ở vùng núi rừng Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Bộ, chúng tôi mới vỡ lẽ nhiều sự thật cười đến no bụng. Tại sóc Bom Bo (xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), các già làng Điểu Len, Điểm Griêm, Điểu Bớt đều ngạc nhiên khi được hỏi "có đúng đeo nanh cọp vuốt hổ" sẽ giúp tránh được giáo mác, cung tên, đạn chì của kẻ thù?".

Trong căn nhà dài truyền thống, già làng Điểu Griêm, lắc đầu: "Khi giết được con thú, thợ săn sẽ bẻ nanh của nó xỏ dây đeo cổ để đánh dấu chiến tích của anh ta thôi. Làm gì có chuyện đeo vào tránh tên tránh đạn...".

Để nhận biết đâu là nanh móng cọp thật-giả, nhiều cán bộ kiểm lâm khẳng định như sừng tê, ngà voi, muốn phân định xịn-dỏm phải trông cậy vào thiết bị máy móc tối tân, không thể nhìn bằng mắt thường mà đưa ra kết luận

Ông Trần Văn Ngoan, thợ kim hoàn có hơn 20 năm bọc bạc cho hàng ngàn nanh vuốt của gấu, cọp, heo rừng… hiện "công tác" tại hiệu vàng Kim Mai ở khu vực chợ Bình Tây, cho biết, khoảng năm năm trở lại đây, trong số 100 nanh vuốt cọp mà khách hàng nhờ bọc bạc thì có trên 95% là "đồ tào lao". Số còn lại cũng chưa chắc là đồ thật vì "dân chế tác giờ cao tay ấn lắm".

Ông Ngoan, tiết lộ: "Có người mang đến mấy cái vuốt cọp còn dính da lông tua tủa bảo khó nhọc lắm mới tuyển được, tôi nghe mà cười trong bụng bởi kinh nghiệm cho thấy đó chỉ là hàng giả, ai cũng có thể chế tác bằng cách nấu chảy nhựa rồi cắm cái vuốt làm từ sừng bò, thả miếng da trâu, da bò, da heo… có gắn lông chờ cho nó khô lại là xong".

Thành Dũng
.
.
.