Hộ khẩu không phải là “chìa khóa vạn năng”

Thứ Năm, 24/03/2005, 07:49
Chúng tôi có mặt nhiều buổi tại phòng giải quyết thủ tục về hộ khẩu ở trụ sở Công an một số quận của Hà Nội. Có nhiều khúc mắc nảy sinh trong quá trình tiếp nhận hồ sơ giải quyết các vấn đề về hộ khẩu như kê sai ngày tháng năm sinh, lệch hồ sơ giữa hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân (CMND), nguồn gốc sở hữu nhà đất chưa hợp pháp... Nhưng vướng mắc nhiều nhất là vấn đề xác định tính hợp pháp của ngôi nhà để giải quyết thủ tục hộ khẩu.

Theo Nghị định 51/CP của Chính phủ đang có hiệu lực, thì để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi mới, người chuyển đến phải có nhà ở hợp pháp. Nghĩa là phải có nhà thuộc sở hữu của mình, có quyết định phân nhà, hợp đồng thuê hoặc được chủ hộ đồng ý cho ở trong căn nhà hợp pháp. Trên thực tế, vấn đề nhà ở hợp pháp tại Hà Nội đang rắc rối như ma trận và nhiều trường hợp đánh đố cả cơ quan giải quyết hộ khẩu, nhà đất và người dân có nhu cầu.

Chỉ tính riêng hai phường Chương Dương và Phúc Tân của quận Hoàn Kiếm, đã có trên 1.600 trường hợp với khoảng 3.000 nhân khẩu thuộc diện KT3. Phần lớn họ đều từ nơi khác chuyển đến, một số hộ ở đã lâu hoặc mới mua nhà nhưng cơ quan chức năng không có căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lẫn hộ khẩu thường trú. Đối với những trường hợp này, chính quyền phường cũng không dám xác nhận tính hợp pháp của căn nhà để các chủ hộ có căn cứ làm mọi thủ tục về nhân hộ khẩu.

Ở một khía cạnh khác, vì kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển đã thu hút hàng  ngàn người trong và ngoài nước về Hà Nội mua nhà đất định cư. Đó là chưa kể hàng chục ngàn lao động phổ thông thường xuyên sinh sống trên địa bàn thành phố. Nhu cầu mọi mặt vẫn nảy sinh, nhưng điều kiện để nhập khẩu nhằm hợp pháp hoá ngôi nhà, lo cho con học hành... thì không cho phép, thành thử họ tìm cả ngàn lẻ cách để nhập khẩu và kiếm giấy tờ nhà.

Ngoài ra, nhiều trường hợp cán bộ, công chức được điều động về Hà Nội công tác nhưng cơ quan lại không bố trí nhà tập thể, người thân không có hoặc không cho ở nhờ, họ rơi vào tình trạng dở khóc dở cười xoay quanh vấn đề hộ khẩu. Và từ đây đã  nảy sinh tình trạng chạy chọt cùng nhiều tiêu cực khác.

Từ thực tế này, Công an quận Hoàn Kiếm  đã vận dụng giải quyết theo Nghị định 51/CP của Chính phủ và Quyết định số 35 của Công an thành phố Hà Nội theo hướng tạo điều kiện tối đa cho dân: Chỉ cần UBND phường xác nhận nhà tự quản, không trong vùng quy hoạch, không có tranh chấp và có đóng thuế đất thì Công an quận sẽ cho nhập hộ khẩu để quản lý nhân khẩu. Cách làm này cho thấy đạt được nhiều lợi ích, và được đa số nhân dân đồng tình ủng hộ.

Nhưng ở một số quận, huyện khác cũng trên địa bàn Hà Nội thì còn vướng mắc, chẳng hạn: Một chủ hộ (đã có hộ khẩu Hà Nội) sau khi mua nhà muốn chuyển hộ khẩu từ nơi ở cũ sang nơi ở mới, nhưng vì căn nhà mới mua chỉ có quyết định thanh lý của cơ quan Nhà nước và trên đó có ghi không được bán.

Khi chuyển khẩu, cơ quan Công an yêu cầu phải có xác nhận tính hợp pháp của căn nhà, nhưng vì cơ quan thanh lý nhà quy định rõ không được bán, còn chính quyền địa phương thì không quản lý ngôi nhà đó, thành thử chỉ cách có một đoạn phố mà chủ hộ không thể chuyển khẩu về căn nhà mình mong muốn trong thời gian dài. Tình trạng tương tự như vậy ở Hà Nội hiện nay không hiếm và đang gây khó khăn cho cả cán bộ giải quyết nhân hộ khẩu lẫn người dân có nhu cầu. Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần nắm vững vấn đề này để có hướng tháo gỡ càng sớm càng tốt, nhằm phục vụ không chỉ vấn đề hộ khẩu, mà còn nhiều chính sách xã hội khác.

Đừng nên coi hộ khẩu là "chìa khóa vạn năng"

Lâu nay, cán bộ, nhân dân và các cơ quan chức năng có thói quen lấy sổ hộ khẩu làm căn cứ để giải quyết nhiều nhu cầu liên quan đến cơ quan, đơn vị hay cá nhân mình. Điều này không sai nhưng không còn phù hợp trong điều kiện cơ chế thị trường phát triển năng động như hiện nay. Đó là chưa nói đến một số bất cập trong công tác quản lý nhân hộ khẩu chưa được kịp thời khắc phục.

Hàng năm, có cả ngàn cán bộ, công nhân viên các ngành và lực lượng vũ trang được điều động đi và đến Hà Nội công tác. Theo quy định, họ phải có từ 3 đến 5 năm sinh sống trên địa bàn cùng với các điều kiện khác mới được nhập khẩu. Không lẽ, vì vấn đề hộ khẩu mà cản trở các hoạt động công tác, con cháu học hành, chuyển nhượng tài sản...

Tiếp xúc với chị Hoàng Thị Bóng-công nhân Công ty Xây dựng số I Hà Nội làm thủ tục nghỉ hưu. Trong khi làm thủ tục thì phát hiện ngày tháng năm sinh ghi trong giấy khai sinh viết tay do UBND xã Yên Nghĩa, Ý Yên, Nam Định cấp từ năm 1956 không phù hợp với năm sinh trong bìa hộ khẩu nhà chị ở quận Hai Bà Trưng, thế là việc làm chế độ tạm dừng để xác minh. Không hiểu nguyên nhân từ đâu có sự sai lệch, và nếu căn cứ vào bìa hộ khẩu thì việc của chị Bóng chưa thể giải quyết được.

Cũng may chị Bóng còn giữ được giấy khai sinh gốc về quê xác nhận lại. Không hiểu còn bao nhiêu trường hợp khác đến tuổi nghỉ hưu, nhập học hay làm thủ tục  đi nước ngoài... thì cơ quan làm thủ tục sẽ phải tính sao? Vấn đề là ở chỗ, đã đến lúc những quy định hiện hành về công tác quản lý nhân hộ khẩu có liên quan đến quản lý đất đai, giáo dục, thừa kế tài sản... không còn phù hợp thì phải thay đổi, những bất cập phải được khắc phục kịp thời để công tác hộ khẩu không còn nan giải như hiện nay.

Nhưng trước hết, lời khuyến cáo của cán bộ Công an trực tiếp làm công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân hộ khẩu hướng tới thay đổi nhận thức của nhiều cán bộ, nhân dân và các cơ quan chức năng rằng: Đừng coi hộ khẩu là chiếc chìa khoá vạn năng, vì nếu vậy sẽ cản trở chúng ta làm nhiều việc khác.

Báo CAND tiếp nhận các trường hợp đang có vướng mắc về giải quyết hộ khẩu trên địa bàn Hà Nội qua đường dây nóng và trực tiếp tại Tòa soạn

Thanh Phong - Việt Hà
.
.
.