Hành vi giả mạo giấy tờ để vay tiền ngân hàng bị xử lý như thế nào?
Trả lời: Hành vi giả mạo giấy tờ là hành vi làm giả các loại giấy tờ: chứng minh, hộ khẩu, hộ chiếu, hoặc các giấy tờ chứng nhận khác của cơ quan nhà nước, của tổ chức, hoặc sửa chữa làm sai lệch nội dung của các loại giấy tờ đó và sử dụng nó vào hành vi trái pháp luật.
Giả mạo còn được hiểu là hành vi làm giả con dấu, giấy tiêu đề và các loại giấy tờ khác của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc sử dụng giấy tờ biết rõ nó là giả, để lừa dối cơ quan, tổ chức và công dân.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi dùng giấy tờ giả mạo để vay tiền ngân hàng mà chủ thể của hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức tại Điều 266 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo, phạt tiền và cao nhất là 5 năm tù; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức tại Điều 267 của Bộ luật Hình sự với khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền hoặc 6 tháng tù và cao nhất là 7 năm tù.
Trong trường hợp chủ thể sử dụng giấy tờ giả (có thủ đoạn gian dối) để vay vốn ngân hàng (mục đích chiếm đoạt tài sản của ngân hàng) thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, người có hành vi giả mạo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Tùy vào tính chất và hậu quả của hành vi mà người phạm tội có thể phải chịu mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.