Hà Nội: Lúng túng việc giảm tải bến xe Giáp Bát

Thứ Ba, 22/05/2007, 19:55
Quyết định điều chuyển phương tiện hoạt động trên các tuyến từ bến xe Giáp Bát đi 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh về bến Nước Ngầm đã được Sở GTCC Hà Nội triển khai rầm rộ nhằm giảm tải cho đầu mối giao thông phía Nam vốn đã quá nhiều bức xúc. Nhưng mới được 10 ngày, thì dự án đã bị chững lại bởi nhiều lý do...

Thực trạng quá tải tại Bến xe phía Nam lâu nay không có gì bàn cãi. Không kể bức xúc của người dân phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đại diện Công an quận Hoàng Mai - đơn vị trực tiếp quản lý địa bàn đã khẳng định: Tình trạng dịch vụ xe ôm, taxi, phụ xe chèo kéo, tranh giành khách trong bến khá lộn xộn.

Lúng túng cách làm

Ông Tỉnh - Phó Công an quận đưa ra ví dụ rất đáng quan ngại: Không tháng nào tại khu vực này không xảy ra từ 4 đến 5 vụ đâm chém nghiêm trọng vì tranh giành khách. Hàng túi hung khí, vật tày mà Công an quận truy xét thu được cũng đều xuất phát từ tranh giành khách, nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn.

Ngay chiều 17/5, thời điểm mà Giám đốc Sở GTCC Hà Nội bất ngờ đến kiểm tra thì tại cổng vào bến xe vẫn tắc vì quá tải. Đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho rằng, sở dĩ bến xe Giáp Bát hoạt động được suôn sẻ như hiện nay là vì có sự điều tiết tích cực của các lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông, dân phòng thành phố. Các lực lượng chức năng buộc phải cho xe xuôi xuống phía Nam mới được quay đầu để thông tuyến, nếu không thì không thể vào ra bến được.

Xe dừng, đón khách ngay tại cổng ra Bến xe phía Nam.

Tuy nhiên, tại cuộc họp đánh giá lại 10 ngày thực hiện giảm tải, vẫn có đại biểu cho rằng bến xe chưa quá tải. Đáng chú ý ý kiến này lại xuất phát từ phía các cán bộ trực tiếp quản lý bến. Điều này cho thấy còn có sự mâu thuẫn về nhận thức nên dẫn đến cả cách làm cũng không thuyết phục.

Theo kế hoạch đã được Phòng Vận tải công nghiệp Sở GTCC cùng ban quản lý các bến thống nhất, thì ngày đầu tiên thực hiện chuyển tải (7/5) sẽ có 1 ôtô khách mang băng rôn "Xe trung chuyển hành khách đi Hà Tĩnh từ bến xe Giáp Bát sang bến Nước Ngầm…" nhằm đưa khách đến vị trí mới và từng bước tạo thói quen cho khách. Đồng thời có 2 - 3 nhân viên vào hướng dẫn khách lên xe trung chuyển.

Nhưng điều đó mới thực hiện được 1 ngày, đại diện Bến xe phía Nam lập tức yêu cầu lãnh đạo bến xe Nước Ngầm không được cho nhân viên vào khu vực bán vé và xếp khách vì lý do ANTT.

Tiếp đến là Văn bản số 18CV/XNQLBX gửi Ban quản lý Bến xe Nước Ngầm, trong đó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Bến xe phía Nam nêu rõ kể từ ngày 12/5, Bến xe phía Nam không cho xe trung chuyển khách của Bến xe Nước Ngầm vào khu vực quảng trường bến.

Những việc làm như thế thể hiện tính thiếu phối hợp trong việc thực hiện các quyết định của thành phố và chủ trương của Cục Đường bộ Việt Nam. Kết quả là mới chỉ chuyển được số ít đầu xe Hà Tĩnh xuống bến Nước Ngầm, còn lại hàng trăm đầu xe tuyến Nghệ An chưa đề cập tới và cũng chưa biết khi nào thực hiện.

Quyền lợi người đi đường đặt ở đâu?

Theo báo cáo của Ban Quản lý bến Nước Ngầm, sau khi cải tạo tại đây đã đảm bảo tiêu chuẩn của bến xe cấp I, có khả năng tiếp nhận trung bình từ 350 đến 400 lượt xe/ngày. Các phương án tổ chức giao thông cho người và phương tiện đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của thành phố. Trong 10 ngày giảm tải Bến xe Giáp Bát, trung bình bến Nước Ngầm đã tiếp nhận từ 13 đến 16 xe tuyến Hà Tĩnh, với gần 200 lượt khách/ngày.

Đánh giá của Sở GTCC và Công an thành phố cho thấy, công tác trật tự ở đây bảo đảm, trong bến không có người bán hàng rong, không có hiện tượng chèo kéo tranh giành khách, xe xuất bến đúng giờ… Như thế, việc giảm tải trên đã đem lại lợi ích rõ rệt cho người đi đường.

Có một chi tiết liên quan đến quyền lợi của các doanh nghiệp vận tải khách. Đó là thành phần cuộc họp có đầy đủ đại diện Sở, ngành, ban quản lý các bến xe, Vụ Vận tải Bộ Giao thông vận tải… nhưng không thấy bóng dáng của bất kỳ nhà doanh nghiệp vận tải nào.

Điều này cho thấy tính chất cuộc họp không ảnh hưởng nhiều lắm tới quyền lợi của họ. Nếu thực hiện tốt việc di chuyển các tuyến Hà Nội đi Hà Tĩnh, Nghệ An từ Bến xe phía Nam xuống bến Nước Ngầm thì chắc chắn lợi ích nhà xe không bị ảnh hưởng mà người dân đi đường sẽ hưởng lợi, ít nhất là không bị thúc ép chèo kéo như trong tình trạng bến quá tải.

Khách quan nhìn lại, đúng là thời gian qua Bến xe phía Nam đã có nhiều giải pháp cải tạo tuyến luồng thông xe, sắp xếp lại các loại hình dịch vụ… Nhưng quá tải là một thực tế phải được điều tiết bằng các quyết định của các cơ quan quản lý Nhà nước, có sự bàn thảo dân chủ với doanh nghiệp.

Kết luận của Giám đốc Sở GTCC rằng: "Tiếp tục san tải tuyến Hà Tĩnh xuống bến xe Nước Ngầm, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm. Việc tiếp tục thế nào phụ thuộc vào hoạt động vận hành của các bến trong quá trình sang tải".

Chúng tôi cho rằng, khi các doanh nghiệp chưa tự giải quyết được những xung đột trong quá trình hoạt động vận tải thì vai trò quản lý Nhà nước của Sở chủ quản là rất quan trọng. Giảm tải các bến xe hiện nay của Hà Nội là yêu cầu khách quan, ở quy mô toàn thành phố chứ không riêng Bến xe phía Nam.

Vấn đề phức tạp này khi đã có sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện, thì cần có lửa quyết tâm của ngành Giao thông công chính thành phố. Nếu thành phố thiếu quyết liệt, việc khó thành

Nhóm phóng viên điều tra
.
.
.