Hà Nội: Chiêu lừa biển hiệu

Thứ Năm, 30/09/2010, 09:56
Trong cơ chế thị trường, vì "hám lợi" mà một số chủ nhà hàng đã sẵn sàng dùng đủ mọi "chiêu" để lừa khách. Nếu thực khách không tinh và không "thường xuyên" ăn hàng thì chuyện ăn phải "quả lừa" là điều chắc chắn, thực trạng này đang diễn ra rất… thường ngày ở Hà Nội.

Khi xưa ở giữa phố Nguyễn Khuyến (phố Sinh Từ cũ) có hàng bún chả Sinh Từ vốn rất nổi tiếng vì chất lượng ngon mà giá cả cũng hợp lý. Nhưng nay qua đây thì thực khách không khỏi ngỡ ngàng và buồn cười vì những dòng chữ ghi trên biển hiệu của "những" hai nhà hàng bún chả Sinh Từ kề liền nhau. Vì thấy nhà bên cạnh bán rất đắt hàng nên chủ nhà "láng giềng" cũng tức thời mở ngay một tiệm bún chả nữa.

Chưa biết chất lượng ra sao, song để "thị oai" với khách, họ đã trưng một tấm biển hiệu chữ xanh to đùng với dòng chữ: Uy tín, chất lượng, lâu năm. Khách đã từng ăn nhà hàng cũ thì không nói làm gì, nhưng những thực khách mới thì lại đổ xô vào ăn.

Để chống lại "nạn" cướp khách này, chủ nhà cũ đã làm thêm một chiếc biển chiếu bằng đèn nê ông sáng choang từ lúc mở cửa hàng cho đến lúc đêm hàng hết, đặc biệt nhấn mạnh dòng chữ: lưu ý hàng kế bên là hàng mới mở.

Để trả "miếng", nhà hàng mới làm thêm bên trên một mái hiên rất cũ kỹ trông đã thấy "phủ" mùi khói thời gian với hai chữ ngắn gọn: "Hàng cũ", nhưng cũng chỉ được một thời gian đầu vì khách ăn ở cái "hàng cũ" cách tân này đã ít nhiều phát hiện ra cái biển hiệu "nhái" này, bởi bún chả ở hàng cũ có nước chấm và chả ngon hơn nhiều.

Do có bí quyết gia truyền nên hàng bún chả cũ có một "mánh" pha nước chấm mà không ai có thể "học mót" được. Chủ cửa hàng bún chả cũ khẳng định: "Muốn có một suất bún chả thật ngon, thì chỉ có thể bắt đầu từ khâu chọn thịt, phải mua từ lúc con lợn mới được pha ra là phải lấy ngay những miếng ưng ý, rồi khâu tẩm ướp cũng là cả một nghệ thuật cả đấy, khách ăn chỉ một lần dù quen hay lạ cũng có thể nhận ra ngay".

Hữu xạ tự nhiên hương, dù là có biển hiệu to đẹp, mái hiên phủ kín khói thì hàng "bún chả cũ" cũng vẫn vắng khách ăn. Sau một thời gian treo đèn, cũng là để "tiết kiệm điện năng" chủ quán bún chả cũ lại tháo xuống mà khách vẫn cứ nườm nượp. Kiểu dùng biển hiệu để cạnh tranh đã diễn ra từ nhiều năm nay, như quán Ông Già ở Phủ Tây Hồ, bánh khúc "Lan" Nguyễn Công Trứ, "Liên doanh" thịt chó Nhật Tân với những chuyện "bi hài" về thịt chó "Tú béo".

Riêng quán "Tú béo" tính sơ sơ cũng tròm trèm hai chục. Phở Thìn Bờ Hồ bây giờ cũng thấy xuất hiện "Phở Thìn Bờ Hồ" ở Lê Văn Hưu, rồi "Phở Thìn Bờ Hồ" ở phố Lê Trực (vườn hoa tập kèn cũ). Chả biết thật giả ra sao, song khách ăn cũng ồn ào, náo nhiệt, nhưng quan sát kỹ thì thấy toàn là khách vãng lai, ăn một lần rồi "biến". Bản thân người viết thì cũng đã ăn rồi, chỉ nhìn cách thái thịt thì cũng biết ngay là của... rởm, vì thịt ở quán "Thìn Bờ Hồ" to bản nhìn cũng đã thấy "ngon mắt".

Ẩm thực thì mỗi người đều có một "gu" riêng, chả ai giống ai cả. Riêng bánh khúc "Lan" Nguyễn Công Trứ thì phải thú thật là ai đã ăn một lần ở đây rồi thì không còn thích ăn ở nơi nào nữa, ngay xôi ở đây cũng thật đặc biệt, tôi chỉ biết đúc kết 3 từ: ngon, dẻo, thơm. Vậy mà trên các ngõ thân quen của Thủ đô, tôi đã nhẩm đếm được tới 30 hàng bánh khúc "Lan".

Từ phố cổ Hàng Buồm, đến phố buôn bán sầm uất Hàng Điếu, những thúng bánh khúc được ủ kín kèm một bảng hiệu, cái thì được viết bằng phấn, cũng có cái được sơn trang trọng với dòng chữ "Bánh khúc Lan - chính cống chợ Xanh Nguyễn Công Trứ", nhưng khi mua ăn thì chẳng thấy mùi "khúc" mà lại thoang thoảng mùi "rau muống khô".

Chuyện to tiếng, đánh, chửi nhau của những kẻ "mua lầm, bán lỡ" đã trở thành những câu chuyện thường nhật ở đất Hà thành…! Thật ra hàng ngon thì không cần quảng cáo, nói đâu xa, ngay như hàng phở "gia truyền" ở phố Bát Đàn vốn chỉ chuyên một dòng "bò". Giữa năm 2005 "tạm" đóng cửa để xây lại cửa hàng. Vậy mà có những vị khách đã "2, 3 đời" ăn phở ở đây biết là nhà hàng đã nghỉ, song vẫn cứ đến đây trông ngóng… Thật là "miếng ngon nhớ lâu…" chứ còn cái kiểu mượn đầu heo nấu cháo, tranh cướp thương hiệu thì cũng chỉ được một lần thôi.

Nhiều người khi cho thuê nhà, thấy người đến thuê làm ăn kinh doanh phát đạt, tạo được danh tiếng và lượng khách dồi dào thì tức tối và trở mặt ngay. Họ tìm mọi lý do để lấy lại nhà và tiếp tục kinh doanh với biển hiệu cũ. Rõ ràng với thực khách thì vẫn là nhà hàng ấy và vẫn những món "y chang" như thế. Song ăn thì thấy… là lạ, nhìn kỹ cô chủ quán và mấy người phục vụ thì mới biết là "nhầm".

Ví như, tại đầu phố Thi Sách, có quán bún riêu cua ngon nổi tiếng trước kia, cả bốn mùa nườm nượp khách, vậy mà bây giờ so với chùa Bà Đanh thì cũng chẳng hơn tí nào. Ngược lại nhà số 5 mới mở thì khách đến ăn tấp nập, hỏi ra thì biết đây là nhà hàng đầu phố chuyển sang. Tôi hỏi bà chủ: Sao chuyển không báo trước, thì bà chỉ cười tủm, khẽ trả lời là bị đòi nhà ấy mà. Thế mới biết kinh doanh ẩm thực cũng khó thật.

Cạnh tranh theo kiểu chụp giật, treo biển hiệu rởm, lấy danh nghĩa của người khác cũng là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vì thế các nhà kinh doanh phải tự biết bảo vệ mình bằng cách đăng ký bản quyền thương hiệu để tránh bị xâm hại.

Khi đó, các cơ quan chức năng mới có cơ sở để vào cuộc, có những biện pháp xử lý thích đáng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sản xuất, kinh doanh chân chính và đó cũng chính là bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng

Lê Phương Dung
.
.
.