Giới hạn xếp hàng hóa, hành lý trên xe môtô, xe gắn máy

Thứ Ba, 20/01/2015, 10:26
Hỏi: Em trai tôi vừa tốt nghiệp đại học và mới được nhận vào làm ở vị trí nhân viên vận chuyển hàng hóa (bánh kẹo) bằng xe máy cho một công ty thực phẩm. Xin hỏi Quý báo, khi lưu thông trên đường thì kích thước của hàng hóa, hành lý được phép xếp trên xe môtô, xe gắn máy là bao nhiêu? Nếu xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định thì bị xử lý như thế nào? (Nguyễn Văn Tuấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì khi lưu thông trên đường: “Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe”.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Thông tư 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/2/2010 (được sửa đổi bởi Thông tư 03/2011/TT-BGTVT ngày 22/2/2011 Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/2/2010 của Bộ GTVT) quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ thì kích thước hàng hóa, hành lý được phép xếp trên xe mô tô, xe gắn máy được quy định như sau: Xe môtô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2 mét.

Theo quy định tại khoản 4 điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.

Thạc sỹ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật Số 5 – Quốc gia)
.
.
.