Giếng nước, hồ cá ở vùng cao A Lưới khô cạn bất thường

Thứ Bảy, 07/05/2016, 08:33
Nhiều năm qua, người dân ở các xã miền núi Phú Vinh và Hồng Thượng thuộc huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) phải gánh chịu cuộc sống khốn khổ khi giếng, hồ cá trơ cạn đáy do mạch nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng…

Giữa năm 2007, thủy điện A Lưới do Công ty CP Thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư khởi công xây dựng ở thượng nguồn sông A Sáp (huyện A Lưới), với công suất 170MW, lượng điện sản xuất trung bình đạt gần 700 triệu kWh/năm. Từ năm 2010, phía chủ đầu tư cho thi công một con kênh lớn, dài hơn 2km từ xã Hồng Thượng đến xã Phú Vinh (A Lưới) để lấy nước từ hồ chứa sông A Sáp đưa về nhà máy nhằm phát điện. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân xã Hồng Thượng, từ khi có con kênh của thủy điện, mạch nước ngầm ở địa bàn bị sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều giếng trơ cạn đáy, ao hồ không có nước…

Dẫn chúng tôi ra hồ cá khô cạn, ông Hồ Văn Nhật (70 tuổi, thôn Kăn Tôm, xã Hồng Thượng) bức xúc nói rằng, trước đây gia đình ông ở thôn A La, xã Hồng Thái; để nhường đất cho thủy điện A Lưới, từ năm 2010, vợ chồng ông và các hộ dân trong thôn chuyển về đây sinh sống. Ở khu TĐC mới, không những thiếu đất sản xuất mà đất đai còn khô cằn, không trồng được cây cối khiến cuộc sống rất khó khăn. Để phát triển kinh tế, vợ chồng ông đào 2 hồ nuôi cá trong khu vườn nhưng chỉ nuôi được mấy vụ đầu rồi bỏ hoang suốt 5 năm qua đến nay, vì hồ không có nước.

Ông Hồ Viết Liêm, Trưởng thôn Kăn Tôm cho hay, thôn có 45/100 hộ dân có hồ cá và giếng khô cạn nước, không thể sử dụng vào mục đích sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản…

Ngoài xã Hồng Thượng, nhiều hộ dân ở thôn Phú Xuân, xã Phú Vinh (huyện A Lưới) sống gần khu vực cửa lấy nước của con kênh dẫn từ hồ thủy điện A Sáp đưa về Nhà máy Thủy điện A Lưới cũng xảy ra hiện tượng giếng nước, hồ cá trơ cạn.

Ông Phạm Ty, ở thôn Phú Xuân, lo lắng bày tỏ, sau năm 1975, gia đình ông chuyển về đây làm kinh tế và đào 2 hồ thả cá. Mỗi năm, ông lấy nước từ khe Ông Mô đưa vào hồ cá nuôi, cho thu nhập hàng chục triệu đồng; nhưng từ năm 2010, khi con kênh dẫn nước của thủy điện được xây dựng thì khe cạn, hồ cá không có nước đành bỏ hoang. Trong khi đó, giếng nước gia đình đào sâu trên 10m cũng cạn đáy. Điều này thật khó hiểu…

Ông Hồ Chính Bê, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh, cũng xác nhận, từ khi dòng kênh thủy điện A Lưới được xây dựng thì địa bàn bắt đầu có hiện tượng sụt giảm mạch nước ngầm. Qua kiểm tra, có khoảng 20 hồ cá cùng nhiều giếng nước bị khô cạn. Năm 2014, UBND huyện A Lưới đã thành lập đoàn kiểm tra và ghi nhận giếng nước ở thôn Phú Xuân bị tụt mực nước từ 2-3m so với trước.

Hồ cá của người dân ở xã Hồng Thượng bị cạn kiệt.

“Liên quan đến vấn đề này, xã đã nhiều lần mời phía chủ đầu tư thủy điện A Lưới là Công ty CP Thủy điện miền Trung đến làm việc, nhưng họ từ chối. Vì thế, người dân đã phản ánh lên các cấp để mong nhận được câu trả lời xác đáng”, ông Bê nói.

Trước hiện tượng sụt giảm mạch nước ngầm ở xã Hồng Thượng và Phú Vinh, UBND huyện A Lưới đã yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên- Huế có phương án kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử lý.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết thêm: “Đơn vị đã cắt cử cán bộ chuyên môn đến các xã nói trên để ghi nhận, kiểm tra tình hình giếng nước, hồ cá khô cạn. Tuy nhiên, phải kiểm tra, đánh giá bằng khoa học mới có thể kết luận được nguyên nhân có phải do kênh dẫn nước của thủy điện gây ra hay không”.

Anh Khoa
.
.
.