Giảm trừ gia cảnh thuế Thu nhập cá nhân: Chưa áp dụng đã lỗi thời!
- 17 trường hợp được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân
- Đang xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân
Nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ chưa áp dụng đã lạc hâu, và việc Bộ Tài chính làm chính sách nhưng không xuất phát từ thực tế và chủ trương “khoan sức dân” mà Bộ này đang tính toán là để tận thu một cách “lạnh lùng, vô cảm”.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ 9 triệu lên 11 triệu đồng và mức với người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng.
Lý giải về về cơ sở đưa ra mức giảm trừ gia cảnh mới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, mức giảm trừ gia cảnh này được căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Theo bà Mai, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, đến hết tháng 6-2019, CPI đã tăng 18,7%, tính đến hết tháng 12-2019 tăng 23,2%. Vì thế, theo đúng quy định thì Bộ Tài chính đã tính toán đưa ra mức giảm trừ gia cảnh mới. “Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là theo đúng quy định, căn cứ vào chỉ số CPI. Mức điều chỉnh này phù hợp với biến động giá cả”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Theo tính toán, mức giảm trừ gia cảnh tối thiểu phải là 14 triệu đồng. |
Bộ Tài chính tính toán, năm 2019, số thu ngân sách từ thuế TNCN là 79.219 tỉ đồng, nếu áp dụng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên, số thu từ thuế TNCN sẽ giảm còn 68.921 tỉ đồng. "Với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên thì số thu thuế từ thuế TNCN 1 năm giảm khoảng 10.300 tỉ đồng, tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế TNCN năm 2019"- Bộ Tài chính cho hay.
Tuy nhiên, mức nâng giảm trừ gia cảnh theo tính toán của Bộ Tài chính đang vấp phải phản ứng từ dư luận. Các ý kiến đều cho rằng đây là "ngưỡng thu nhập chịu thuế" nên phải điều chỉnh bằng tốc độ tăng thu nhập, chứ không được đánh tráo khái niệm bằng "tốc độ tăng CPI".
Nếu tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân là 6,5% trong giai đoạn 2013-2019, để Luật thuế có hiệu lực trong năm 2020 thì mức tăng trưởng thu nhập tích luỹ là hơn 55%. Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu đồng (9 triệu đồng x 155%).
Tương tự, mức miễn trừ đối với người phụ thuộc phải được làm tròn là 6 triệu đồng (3,6 triệu đồng x 155%). Nghĩa là một người có thu nhập bình quân một tháng là 20 triệu đồng, phải nuôi thêm một người phụ thuộc thì không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Phân tích cụ thể, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, mức tăng ngưỡng giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đề xuất là quá thấp, không phù hợp, chưa áp dụng đã lỗi thời.
“Lẽ ra khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 20% là phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nhưng hiện CPI đã tăng hơn 23% mới điều chỉnh, như vậy là không có lợi cho người tiêu dùng. Đấy là chưa kể từ việc soạn thảo, lấy ý kiến và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn là một quãng thời gian dài nữa, rõ ràng Bộ Tài chính đã làm quá chậm”, PGS. TS. Ngô Trí Long nhận định.
Theo ông Long, việc áp dụng cách tính bất hợp lý như hiện nay sẽ khó tránh khỏi chuyện chính sách không theo kịp thực tế đời sống. Nguyên nhân là do ngoài yếu tố về giá tăng thì nhu cầu đời sống của người dân càng ngày càng tăng, vì thu nhập tăng, đời sống cũng lên cao, nhu cầu tiêu dùng cũng tăng cao. Do đó, ngoài yếu tố giá, phải tính theo biến động của nhu cầu đời sống người dân lên cao. Đòi hỏi mức giảm trừ gia cảnh phải tăng lên.
Tất nhiên, mức tính toán nhu cầu cuộc sống tăng cao cũng phải phù hợp với thức tế và mặt bằng chung, không nên lấy lý do này để đòi hỏi phục vụ cho nhu cầu cao cấp của một số người. Điều này là để tạo sự công bằng xã hội.
Nhìn theo một góc độ khác, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng Bộ Tài chính đang loay hoay gọt đẽo thuế TNCN khi không rõ triết lý và nguyên tắc đánh thuế TNCN. Theo ông Đức, về nguyên tắc, nhà nước phải đánh thuế đối với mọi khoản và mọi mức thu nhập, tuy nhiên để đơn giản, nhà nước loại trừ bớt số phải nộp ở mức thấp, do đó mới có mức giảm trừ gia cảnh.
Song, mức giảm trừ gia cảnh lại không dựa vào mức sống tối thiểu, không dựa vào thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng nên đang gây ra sự bất công. Đấy là chưa kể quy định mức lạm phát trên 20% mới điều chỉnh là quá cao, cần giảm xuống một nửa.
Đồng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh nguyên tắc trong chính sách thuế là phải nuôi dưỡng nguồn thu thì mới có thể tạo ra nguồn thu mới, không nên tận thu. Phải tính toán cụ thể, không thể chỉ căn cứ theo mức tăng của chỉ số giá rồi nâng lên thì chưa đủ. Khi làm chính sách, cần có sự nhạy bén và sâu sát với cuộc sống. Đặc biệt, ông Long phân tích nếu tăng mức giảm trừ gia cảnh lên cao, nghĩa là thu nhập khả dụng của người nộp thuế sẽ tăng cao hơn, đẩy tiêu dùng lên cao.
“Khi thu nhập cao hơn, xã hội sẽ chi tiêu nhiều hơn. Lúc đó ngân sách sẽ có những nguồn thu khác cao hơn thông qua các sắc thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thậm chí cả thuế TNCN. Nguồn thu ngân sách là đến từ nhiều sắc thuế, đâu phải chỉ mỗi thuế TNCN mà lại tận thu để gây phản ứng? Muốn thu thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu. Bộ Tài chính cần tính toán lại bài toán thu ngân sách này, vì cộng đồng, vì người dân”, ông Long góp ý.