Giải pháp nào xử lý triệt để xe ba bánh tự chế ở Hà Nội:

Giải pháp phải làm tận gốc

Thứ Sáu, 20/05/2011, 09:53
Câu chuyện về tìm một giải pháp để giải quyết vấn đề xe ba bánh ở Hà Nội đến thời điểm hiện tại vẫn đang lâm vào… thế bí. Được biết, đầu năm 2010, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ thay thế xe công nông; xe lôi máy; xe cơ giới ba bánh; xe thô sơ ba, bốn bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

>>Vì sao xe 4bánh tồn tại

Phương án hỗ trợ cho chủ xe ba bánh… vẫn đang mù mịt

Tuy nhiên, sau đó đến ngày 22/3/2010, sau khi tiếp nhận những kiến nghị của một số thương binh sử dụng xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ 3,4 bánh tự chế, UBND TP Hà Nội đã tiếp tục có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương có liên quan, trong đó giao cho Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương có liên quan xem xét kiến nghị của đại diện anh em thương binh, thống nhất báo cáo đề xuất với UBND thành phố trong tháng 4/2010.

Đồng thời giao cho Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng phương tiện xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3,4 bánh tự chế vi phạm quy định về TTGT đô thị; các trường hợp sử dụng xe cơ giới 3-4 bánh, xe thô sơ 3,4 bánh tự chế lưu hành trên địa bàn thành phố không do thương binh, bệnh binh là chủ sở hữu và điều khiển.

Văn bản này cũng cho phép tạm dừng việc triển khai thực hiện Quyết định số 460 của UBND thành phố. Giao cho Sở GTVT chủ trì, tổng hợp, dự thảo văn bản của UBND TP báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ… Cho đến thời điểm này đã hơn một năm trôi qua, những nút thắt liên quan đến phương án hỗ trợ cho số đối tượng chủ xe ba bánh theo quyết định của Chính phủ tại Hà Nội vẫn chưa có lời giải đáp.

Chiều 6/5, trong buổi làm việc với chúng tôi về quá trình triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND TP  Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội trả lời rằng: Hiện tại mọi việc đang nằm trong quá trình điều tra, tổng hợp và xem xét, còn đến khi nào đưa ra được phương án hỗ trợ thì… không biết.

Trò chuyện với chúng tôi, anh N.V.K. (Chương Mỹ - Hà Nội) đang hành nghề ở đường Hoàng Quốc Việt tâm sự: Là thương binh 3/4, ở quê chẳng có việc gì nên anh đã phải vay mượn 20 triệu đồng mua xe ba bánh ra đây thuê trọ kiếm sống.

Bỏ ra 20 triệu đồng, bây giờ mỗi ngày trừ chi phí anh cũng kiếm được 200-300 ngàn đồng. Số tiền này sau khi trừ chi phí xăng xe, nhà thuê trọ, tiền ăn sinh hoạt hàng ngày đi, anh đều gửi về quê để nuôi 3 cháu đang tuổi ăn, tuổi học. Bây giờ nếu Nhà nước hỗ trợ vài chục triệu đồng để chuyển đổi nghề thì anh cũng như nhiều người chẳng biết kiếm sống bằng cách nào.

Cũng chung tâm trạng như vậy, anh Đ.V.H. - một bệnh binh ở  huyện Thanh Trì (Hà Nội) hành nghề tại khu vực đường Giải Phóng cho biết: Khoản thu từ hoạt động vận tải do xe ba bánh đem lại đều được gửi về nuôi 2 cháu ăn học. Nói về việc chuyển đổi nghề, anh cho biết, hiện chuyển đổi sang ngành nghề khác là rất khó bởi sức khỏe của mình đã giảm sút, không thể làm lao động chân tay, bốc vác được, nên hiện chỉ trông vào nghề lái xe ba bánh mà thôi.

Giải quyết vấn đề xe ba bánh - không thể chỉ bằng những tháng cao điểm

Làm việc với Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội về đợt xử lý xe ba bánh tự chế chúng tôi được biết, từ ngày 16/4 đến 30/4, lực lượng CSGT đã kiểm tra và xử lý 382 trường hợp, trong đó lập biên bản, tạm giữ 277 xe ba bánh tự chế vi phạm, ký cam kết 105 trường hợp.

Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên lực lượng CSGT mở đợt cao điểm xử lý xe ba bánh tự chế trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sau đợt cao điểm, ghi nhận của chúng tôi tại nhiều tuyến đường, ngõ ngách, xe ba bánh vẫn còn hoạt động khá nhiều. Trên thực tế để xử lý được một trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT phải tốn rất nhiều thời gian, công sức.

Xe ba bánh tự chế nhái xe thương binh bị lực lượng CSGT đưa về nơi tạm giữ.

Nhìn lại 2 tuần mở đợt cao điểm xử lý xe ba bánh tự chế vi phạm của lực lượng CSGT - Công an TP Hà Nội cho thấy: Số lượng người điều khiển xe ba bánh trên địa bàn thành phố là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Phần lớn trong số các trường hợp vi phạm đều mạo danh thương binh, người khuyết tật, cho dán, đính khẩu hiệu "nhái" cơ sở thương binh, bệnh binh lên thành xe nhằm mục đích "né" lực lượng chức năng tuần tra làm nhiệm vụ.

Thậm chí, có những trường hợp là thanh niên trai tráng thế hệ 8X, 9X, nhìn qua ai cũng biết đó không phải là thương binh, bệnh binh, người tàn tật nhưng vẫn ngông nghênh điều khiển xe ba bánh tự chế rong ruổi chở hàng trên khắp các tuyến phố. Chỉ đến khi nào bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản xử lý thì bắt đầu nại đủ mọi lý do để lực lượng chức năng… "nương tay".

Trung tá Nguyễn Đăng Hào - Đội trưởng Đội CSGT số 10, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho biết, trong số 16 trường hợp xe ba bánh tự chế vi phạm bị đơn vị lập biên bản xử lý, chiếm đa phần là xe nhái xe thương binh, người tàn tật…

Đặc biệt qua quá trình khảo sát chúng tôi nhận thấy, có khá nhiều trường hợp chủ xe ba bánh là người bình thường nhưng đã "nhờ" một số thương binh bảo lãnh hoặc trực tiếp đi cùng để "giải quyết" khi bị lực lượng CSGT bắt giữ. Tại một điểm tập trung xe ba bánh trên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy (Hà Nội), chúng tôi được một bác tài cho biết: Trong số 20 xe ba bánh hoạt động tại đây chỉ có 5 xe là của thương binh, số còn lại đều do người bình thường điều khiển.

Để giải quyết thực trạng này, nhiều ý kiến cũng đưa ra giải pháp: Thành phố Hà Nội cầm sớm có đợt tổng điều tra, phân loại số lượng xe ba bánh hiện đang hoạt động trên địa bàn. Trên cơ sở đó thì bên cạnh việc xử lý nghiêm xe ba bánh tự chế do các đối tượng giả danh thương binh, người tàn tật điều khiển, TP Hà Nội cũng cần sớm nghiên cứu để đưa ra phương án hỗ trợ hiệu quả đảm bảo đời sống cho số đối tượng điều khiển xe ba bánh là thương binh, người tàn tật. Nếu không tiến hành đồng bộ thì vấn đề xe ba bánh trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tiếp tục là vấn đề nan giải và bức xúc.                    

Theo Quyết định số 460 của UBND thành phố quy định chính sách hỗ trợ thay thế xe công nông; xe lôi máy; xe cơ giới ba bánh; xe thô sơ ba, bốn bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông trên địa bàn thành phố, mức hỗ trợ chung cụ thể như sau: đối với trường hợp chủ phương tiện mua xe cơ giới ba bánh, bốn bánh (loại xe được phép lưu hành theo quy định của pháp luật) hoặc chuyển đổi nghề để thay thế xe thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông sẽ được hỗ trợ mức 5 triệu đồng/xe phải thay thế; đối với trường hợp mua xe tải để thay thế xe thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, ngoài mức 5 triệu đồng/xe kể trên còn được hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/xe tải mua mới.

Số xe tải mua mới được hỗ trợ không vượt quá số xe phải thay thế. Ngoài mức hỗ trợ chung, TP còn có các mức hỗ trợ riêng. Các chủ phương tiện nếu có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề mới sẽ được Sở LĐ-TB&XH cấp sổ đào tạo nghề miễn phí.

Nhóm PVĐT
.
.
.