Giải pháp nào để ngăn chặn sự tàn phá của ma túy tổng hợp?

Chủ Nhật, 24/11/2013, 15:25
Đó là vấn đề rất “nóng” được đặt ra trong Hội thảo thực trạng và giải pháp phòng, chống sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) do Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Tổng cục VI) - Bộ Công an phối hợp Văn phòng cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức sáng 22/11 tại Hà Nội.

Bởi hiện tại, MTTH đang tàn phá xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Đã có rất nhiều hệ lụy từ loại ma túy này như: giết người dã man, gây tai nạn giao thông hoặc gây mất trật tự công cộng do người sử dụng MTTH bị kích động, không làm chủ được hành vi gây ra.

Báo cáo của UNODC nêu rõ: Hiện nay, thị trường các chất hướng thần zdạng amphetamine (ATS) ở Việt Nam tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa. Từ năm 2010, ATS đã trở thành loại ma túy được sử dụng nhiều thứ hai tại Việt Nam và rất thịnh hành trong giới trẻ các thành phố lớn, các vùng biên giới và các khu công nghiệp. Mặt khác, các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đặc biệt là nhóm đối tượng từ Tây Phi tiếp tục vận chuyển ma túy và tiền hóa chất bất hợp pháp với số lượng lớn qua Việt Nam tới các thị trường quốc tế.

Một số người sử dụng ma túy tổng hợp bị bắt giữ.

Ở Việt Nam có 32 loại tiền chất dùng cho mục đích công nghiệp, y tế trong danh mục kiểm soát của Chính phủ, và những tiền chất này được nhập khẩu với số lượng lớn. Do đó, việc vận chuyển bất hợp pháp các tiền hóa chất từ Việt Nam ngày càng tăng lên về cường độ và các loại hóa chất bị vận chuyển…

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VI chia sẻ, Đông Nam Á đã trở thành khu vực trọng điểm về MTTH của thế giới. Mỗi năm, các nước trong khu vực cũng phát hiện từ vài chục đến vài trăm cơ sở sản xuất MTTH với các quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Tang vật vụ án.

Ở nước ta, con số thống kê về số vụ, số đối tượng tham gia sản xuất, mua bán, vận chuyển các loại MTTH không ngừng tăng lên. MTTH đã và đang được các băng nhóm tội phạm ma túy quốc tế tổ chức vận chuyển qua các tuyến đường hàng không, đường bộ với số lượng lớn. Trong nước cũng đã phát hiện trên 20 vụ tổ chức sản xuất trái phép MTTH từ các loại tân dược có sẵn trên thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2013, 41/63 tỉnh, thành phố phát hiện và thu giữ MTTH ở các mức độ khác nhau.

Đáng chú ý, qua khảo sát trên quy mô nhỏ ở một số địa phương cho thấy có tới 50 - 60% người nghiện mới được thống kê có sử dụng MTTH. Tại các thành phố lớn, đã phát hiện không ít vụ các đối tượng là thanh niên, học sinh, sinh viên sử dụng MTTH trong vũ trường, nhà hàng, quán bar hoặc nhà nghỉ gây bức xức trong xã hội. Đặc biệt, đã có rất nhiều hệ lụy từ loại ma túy này.

Những kẻ “ngáo đá” đã không làm chủ được hành vi của mình gây nên những vụ án rất đau lòng. Chắc chúng ta chưa thể quên vụ đối tượng Phạm Văn Mạnh, trú tại ấp Bình Phú, xã Long Tân (Nhơn Trạch, Đồng Nai) dùng dao và cuốc cuồng sát kinh hoàng sau khi hút hết 4 điếu bồ đà. Mạnh cũng là một con nghiện lâu năm, sau khi dùng bồ đà, tự nhiên hắn choáng váng, chạy về nhà và lên cơn cuồng sát. Hậu quả, hắn đã chém bị thương 4 người, trong đó có cả mẹ và chị gái mình, gây tử vong cho 2 cháu bé sinh đôi Nguyễn Vy Phương và Nguyễn Phương Vy mới tròn 7 tháng tuổi…

Hay như vụ đối tượng Nguyễn Văn Tiến, 33 tuổi, trú tại thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong, Bình Thuận) sau khi mua và uống hết 1 vỉ Recotus (có chất gây nghiện) đã la hét rồi 2 tay cầm dao lần lượt truy sát làm 1 người chết và 19 người bị thương…

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến nhấn mạnh: Hội thảo lần này có nhiệm vụ rất quan trọng, đó là đánh giá đúng thực trạng tình hình, thảo luận các biện pháp để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, kiểm soát và điều trị cho người nghiện MTTH. Những giải pháp đề ra tại hội thảo này không chỉ giúp việc phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển MTTH ngày càng có hiệu quả hơn mà còn thiết thực tháo gỡ những vướng mắc của nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình hình này và cao hơn nữa là hạn chế tối đa tác hại của MTTH đối với cộng đồng và xã hội.

Bà Du-đu A-ki-xê-va, Giám đốc quốc gia Văn phòng UNODC tại Việt Nam cho biết, để thành công, chúng ta phải tiến hành cải cách trên 3 lĩnh vực: cần cải thiện chất lượng thông tin mà chúng ta có và chia sẻ những thông tin này để hiểu hơn về mối đe dọa của MTTH; cần nâng cao năng lực hành động trong việc phòng ngừa và ứng phó đối với nạn vận chuyển ma túy và các tiền chất bất hợp pháp; phải thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ trong khu vực và giữa các cơ quan liên quan của chúng ta.

Nói về thực trạng MTTH ở Việt Nam, Đại tá Trần Như Nhận, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy đưa ra con số thống kê, sau 10 năm, MTTH đã xuất hiện trên cả 63 tỉnh, thành phố.

Trong đó, có tới 30% là MTTH, 40% người nghiện loại ma túy này. Cho tới nay, các lực lượng chức năng đã triệt phá 21 xưởng chiết xuất, sản xuất MTTH, nhưng số lượng MTTH bị bắt giữ không hề giảm. Năm 2010 là 46 nghìn viên MTTH và 15kg; năm 2012 là 118 nghìn viên, 41kg và đến thời điểm này của năm 2013, tổng hợp số liệu của 40 địa phương, con số đã cao hơn so với năm 2012.

Đại tá Nhận đề nghị, giải quyết triệt để tệ nạn ma túy cần có lộ trình dài hơi và cần sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng và các cấp, các ngành. Nhưng, trước mắt công tác tuyên truyền cần làm gắt gao hơn, cụ thể hơn từng phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy cũng như tác hại khôn lường của MTTH.

Bởi lẽ, MTTH có “đất sống” riêng, đó là các tỉnh, thành phố lớn, khu vui chơi giải trí và nhất là giới trẻ

T. Hòa
.
.
.